23/04/2010 07:59 GMT+7

Ác mộng côn đồ

MINH QUANG
MINH QUANG

TT - Ở “rẫy ông Thành”, ngoài bà Phạm Thị Ngắn bị chó bẹcgiê cắn chết còn có một nạn nhân bị đánh đến mức tàn phế. Nạn nhân về quê sống nhờ vợ nhưng hoạn nạn vẫn chưa buông tha anh.

Chỉ vì đi lạc đường mà một người vô tội bị sáu người làm thuê cho “rẫy ông Thành” đánh tới tàn phế và một người khác phải mang thương tật 10%. “Rẫy ông Thành” cũng là nơi vào tháng 1 năm nay xảy ra chuyện đàn chó bẹcgiê cắn chết một cách thảm thương bà Phạm Thị Ngắn - người phụ nữ nghèo đi mót cà phê.

Giờ đây, “rẫy ông Thành” (buôn H’Drat, xã EaKao, TP Buôn Ma Thuột) lại một lần nữa được nhắc tên khi Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa hình sự phúc thẩm sáng 20-4, xét xử vụ án cố ý gây thương tích do những người làm thuê nói trên gây ra.

JfA2X0k3.jpgPhóng to
Không chỉ phải chăm chồng bị đánh đến mức tàn phế, giờ đây vợ anh Thọ lại phải lo cho con vừa bị tai nạn

“Làng trên xóm dưới ai cũng quý”

Trước khi tòa xét xử một ngày, ngày 19-4, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Thọ, thôn Phương Tân, xã Kim Khê, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, một trong hai nạn nhân. Ngôi nhà nhỏ ấy lâu nay không còn tiếng cười bởi tai họa cứ dồn dập đổ lên...

“Nhà Thọ - Liễu à, mãi rìa làng bên thôn Phương Tân ấy, cứ đi ra phía cánh đồng là thấy cái nhà chơ vơ giữa ruộng với ao hồ ấy” - chị Nguyễn Thị Bắc (thôn Cống Khê) chỉ đường với con mắt buồn buồn rồi lại chạy theo dẫn chúng tôi tới tận nhà anh Thọ. “Rõ khổ, gia đình nhà ấy chăm lo làm ăn lắm, làng trên xóm dưới ai cũng quý, thế mà không hiểu sao bị tai nạn gì đó mãi trong Nam, giờ vợ phải “nuôi báo cô” chồng cả đời rồi”- dẫn chúng tôi sang nhà anh Thọ, chị Bắc luôn miệng kể chuyện.

Gia đình anh Nguyễn Văn Thọ, chị Trần Thị Liễu ở thôn Phương Tân từ nhiều đời nay. Ngày ngày chồng đi cày ruộng, trồng rau, vợ tranh thủ làm đậu phụ mang ra bán ở chợ Kim Tân cách nhà gần 3km, làng xóm chưa ai thấy hai vợ chồng lớn tiếng với nhau, cũng không khi nào va chạm với bà con chòm xóm.

Vết thương trên đầu của cha...

Nằm giữa cánh đồng thôn Phương Tân, đập vào mắt chúng tôi là một ngôi nhà thấp lụp xụp, bốn phía xung quanh là ao hồ và ruộng lúa, con đường duy nhất dẫn vào nhà rộng chừng nửa mét, ban đêm chỉ chệch một bước là có thể lao ngay xuống ao. Bên trong ngôi nhà vỏn vẹn hai chiếc giường ngủ, một chiếc tivi mua từ 6-7 năm trước. Tiếp chúng tôi trên chiếc phản đã mọt vẹt một góc, anh Thọ ôm chiếc đầu đã biến dạng, nấc lên từng tiếng: “Khổ lắm, đã không nuôi được vợ con, giờ nằm một chỗ, đứa nhỏ lại mới bị tai nạn, sợ hỏng mất cánh tay của con rồi...”.

Anh Thọ kể đầu năm 2009, mẹ vợ anh nhắc nhở “mày lấy con Liễu bao năm mà chưa thắp được nén hương cho bác vợ là có lỗi con ạ”. Nghe lời mẹ, anh sửa soạn vào TP Buôn Ma Thuột để viếng bác vợ là liệt sĩ Nguyễn Văn Việt, hi sinh trong chiến dịch giải phóng miền Nam 1975. Sau khi đi viếng nghĩa trang, về nhà người quen là ông Trần Quang Đảng chơi, anh Thọ được người em họ là Nguyễn Huy Hoàng (ngụ ở Cư Jút, Đắk Nông) chở về nhà. Hai người đi lạc vào trang trại - sau này anh mới biết là “rẫy ông Thành” - và bị hành hung.

Trước mặt chúng tôi, hình ảnh người đàn ông vạm vỡ, là lao động chính trong gia đình không còn nữa, thay vào đó là một dáng người xiêu vẹo, còm cõi. Một nửa đầu bên trái của anh bị lõm sâu, anh còn phải chịu đựng những cơn đau đầu hành hạ. Chỉ cần mỗi trận gió mùa, mỗi khi trở trời, anh Thọ không quằn quại vì đau đớn cũng gắt gỏng, chửi mắng vợ con. Mỗi lần vết thương bị tác động lại một lần làm thay đổi người đàn ông này.

“Hồi khỏe mạnh, mình tôi cấy 3 sào ruộng, nuôi lợn quanh năm cũng dành dụm được đồng ra đồng vào, mua được cái xe Wave để chạy công, chạy việc. Từ ngày nằm liệt giường liệt chiếu đến giờ, có gì bán hết, vay mượn để chữa trị mà không lành được. Nhà tôi giờ có mở cửa mà đi hết trộm cũng chẳng buồn vào lấy. Đau đớn nhất là đứa con, mới tháng trước cháu bị bỏng, cả cánh tay sắp hỏng rồi. Tôi chết đi cũng được, chỉ mong cho con qua khỏi, làm sao cho sau này cháu cầm được cây bút...”, câu chuyện của anh Thọ chìm dần theo những giọt nước mắt trên khuôn mặt khắc khổ của người cha không còn khả năng nuôi được con, mặc cảm với việc trở thành gánh nợ của gia đình.

Những giọt nước mắt chưa kịp khô trên khuôn mặt của anh Thọ thì cháu Nguyễn Đức Sơn (4 tuổi) được chị gái Nguyễn Thị Thu Hương (17 tuổi) đưa về đến nhà. Cánh tay phải của bé khô cứng do di chứng phỏng vì bị té nhúng vào nồi đậu đang sôi. Chữa trị cho con một thời gian, xác định phải lên tuyến trung ương mới tốt nhưng không đủ tiền, chị Liễu đành xin đưa con về, chữa thuốc dân gian.

Theo kết luận ban đầu của bệnh viện, cháu Sơn bị bỏng sâu ở độ 3, hoại tử phần mềm cánh tay, có nguy cơ bị cứng các khớp ngón, cổ tay, có thể phải tháo khớp cánh tay.

Giá như họ đừng đánh tôi...

67OjZOk0.jpgPhóng to
Anh Thọ với cái đầu bị biến dạng - Ảnh: Minh Quang

Tất cả tài sản đều đã phải bán đi, còn phải vay mượn thêm hàng xóm để chạy chữa cho anh Thọ, đến khi cháu Sơn bị tai nạn, gia đình buộc phải vay lãi ngân hàng để chữa bệnh cho cả bố cả con. Chỉ tính sơ sơ mỗi tháng, riêng tiền thuốc cũng lên đến 3-4 triệu đồng, bằng thu nhập cấy lúa cả năm của gia đình. Đến nay số nợ đã trên 100 triệu đồng. “Gia đình tôi giờ chỉ lo miếng ăn đã khó, cả tuần mới dành dụm được miếng thịt cho con, lấy đâu tiền trả nợ, hầu kiện nữa hả anh?”. Câu hỏi của chị Liễu dường như không ai có thể trả lời được.

Chia tay, anh Thọ nói với chúng tôi: “Nghĩa tử là nghĩa tận, thắp hương cho bác, tôi phải đi. Nhưng giá như ngày ấy không lạc đường, giá như những người đó đừng đánh tôi...”.

Phiên tòa tạm hoãn

Theo chị Trần Thị Liễu, sau khi anh Nguyễn Văn Thọ bị hành hung, gia đình chị được bồi thường bước đầu 30 triệu đồng. Tại bản án sơ thẩm, hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo phải bồi thường cho gia đình nạn nhân tổng cộng 144 triệu đồng. Tuy nhiên, cho đến nay gia đình vẫn chưa nhận được khoản tiền bồi thường nào khác.

Chị Liễu nói do không biết được quy định phải gửi đơn trong vòng 15 ngày nên chị bị mất quyền kháng cáo. Sau đó, chị đã có đơn đề nghị khởi tố Nguyễn Đình Sơn (xem thêm Tuổi Trẻ ngày 21-4-2010) gửi đến Viện KSND tối cao, Cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện KSND và Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Đắk Lắk.

Chị Liễu cũng nói do không còn tiền, không thể vào Đắk Lắk dự phiên tòa phúc thẩm nên chị đã viết giấy ủy quyền, xin chứng nhận của địa phương và gửi vào cho anh Hoàng nhưng do vội vã chị đã quên ký vào giấy ủy quyền. Vì thiếu sót này, hội đồng xét xử đã tuyên bố tạm hoãn phiên tòa.

T.TÂN - M.QUANG

_________________

Lời tòa soạn

Chúng tôi đặt tựa cho bài viết này là “Ác mộng côn đồ” với mong ước những vụ việc tương tự vụ án cố ý gây thương tích này sẽ chỉ như những cơn ác mộng của xã hội, sẽ qua đi sau khi tỉnh giấc. Chừng nào người dân vô tội còn bị bọn côn đồ lộng hành đánh đập, giết hại dã man, chừng ấy xã hội vẫn còn phải sống trong những cơn ác mộng có thật.

________________

SedzVOdi.jpgPhóng to

Đây là con đường mà anh Hoàng và anh Thọ lạc vào. Theo anh Hoàng, lúc đó chưa có cổng và hàng rào như thế này - Ảnh: Trung Tân

Nạn nhân Nguyễn Huy Hoàng:

Các bị cáo đánh không cần hỏi

Sáng 22-4, anh Nguyễn Huy Hoàng đã dẫn chúng tôi ra hiện trường nơi hai anh em anh bị đánh đến ngất xỉu, bị vất ra ngoài và tự bò đi tìm người giúp đỡ.

Anh Hoàng kể: “Tối hôm đó, sau khi từ nhà bác Đảng ra, chúng tôi định đi lên TP Buôn Ma Thuột để anh Thọ được biết thành phố. Lúc đó trời tối quá mà chúng tôi lại không biết đường, phía trước đường mới ủi rất khó đi. Thấy phía bên cạnh có đường rộng, có đèn sáng từ xa, nghĩ đây là đường dẫn ra thành phố nên chúng tôi mới đi vào. Vừa đi vào được một đoạn có hai anh nào đó (sau này mới biết là Nguyễn Trung Dũng và Nguyễn Trường Thi - NV) đang đi ngược chiều, chúng tôi định hỏi thăm thì bị họ nắm xe lại, chưa nói chưa rằng một anh đã đấm vào lưng anh Thọ. Hai anh em tưởng có kẻ cướp chặn đường, sợ quá nên mới rồ ga bỏ chạy. Nhưng chúng tôi không ngờ đã lạc vào khuôn viên rẫy nhà ông Thành, tứ phía đã bị bao vây”.

Anh Hoàng cho biết thêm: “Sau khi hai anh em bị bắt vào khu nhà tập thể, tôi có gọi điện cho bác Đảng để nhờ bác ấy giải quyết hiểu lầm này. Tuy nhiên, mới nói được mấy câu, họ đã giằng điện thoại của tôi. Tôi có nói với họ tôi là cháu bác Đảng đi lạc đường, Nguyễn Trường Thi có hỏi: “Nhà ông Đảng ở dưới dốc hả?”. Đúng lúc này cả bọn kéo về đến nhà và Nguyễn Đình Sơn lấy hai cục đá dứ trước mặt tôi thì cả bọn lao vào đánh ngay. Mãi đến hơn 1 giờ đêm khi tôi được công an đưa trở lại hiện trường thì thấy xuất hiện hai đống đất to chắn ngang con đường nơi chúng tôi đi lạc, công an phải dừng xe đi bộ vào. Tôi đã trình báo với công an chuyện này”.

Ông Trần Quang Đảng cho biết: “Tôi nhận được điện thoại của Hoàng, không kịp mặc áo và chạy đi kiếm cháu. Không biết rõ nó ở đâu nhưng nghe nói ở khu nhà rộng, có nhiều ôtô nên tôi chạy thẳng vào khu nhà ông Thành. Gặp Nguyễn Trường Thi, tôi hỏi có thấy ai đi xe Nouvo lạc vào đây và mới đánh nhau không? Thi cho biết có và chỉ hướng đi. Tôi chạy theo hướng đó gặp hai đứa Hoàng, Thọ nên cùng mấy người hàng xóm đưa tụi nó đi bệnh viện”.

TR.TÂN

Có bỏ sót người phạm tội?

Tại bản án sơ thẩm, hội đồng xét xử nhận định: “Trong vụ án này còn có đối tượng Nguyễn Đình Sơn đã có hành vi cầm hung khí đi tìm bắt các bị hại về khu nhà tập thể. Sau đó Sơn là người đầu tiên cầm hai cục đá 4x6 đưa lên trước mặt anh Hoàng để hù dọa. Hành vi của Sơn tạo điều kiện về mặt tâm lý để các đối tượng khác thực hiện hành vi phạm tội. Nhưng cơ quan điều tra và viện kiểm sát không khởi tố, truy tố nên theo quy định tại điều 196 BLTTHS, hội đồng xét xử không có căn cứ để xem xét”.

Ngày 22-4, chúng tôi đã gặp thẩm phán Nguyễn Xuân Hán, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm, để hỏi về vấn đề này. Thẩm phán cho biết: “Chúng tôi đã trả hồ sơ để viện kiểm sát xem xét, củng cố chứng cứ. Tuy nhiên, viện vẫn giữ quan điểm không truy tố, nên tòa không thể xem xét trường hợp của Nguyễn Đình Sơn”.

Ông Hán cũng nói thêm: “Bản án vẫn chưa có hiệu lực, vì vậy tòa án cấp trên vẫn có thể cải sửa một phần hoặc hủy bản án nếu có những chứng cứ mới...”.

Cùng ngày, bà Nguyễn Thị Ngọc Liên, viện trưởng Viện KSND TP Buôn Ma Thuột, cho biết: “Viện có nhận được hồ sơ tòa trả lại. Viện cũng chuyển sang cơ quan điều tra để họ củng cố chứng cứ nhưng họ vẫn kết luận là không có dấu hiệu tội phạm nên viện giữ quan điểm không truy tố Nguyễn Đình Sơn”.

Bà Liên cho biết thêm: “Việc phạm tội của các đối tượng này mang tính bộc phát, không có tổ chức. Hơn nữa, Nguyễn Đình Sơn có can ngăn các bị cáo khác nên không đủ căn cứ truy tố!”.

Trong khi đó, theo luật sư Võ Hạ - người bảo vệ quyền lợi cho anh Nguyễn Văn Thọ tại phiên tòa sơ thẩm, việc không khởi tố Nguyễn Đình Sơn là không đúng vì chính Sơn là người đầu têu ra mọi việc và cũng là người tham gia đi tìm nạn nhân. Kết luận điều tra nêu Sơn có can ngăn các đối tượng khác nhưng việc ngăn cản này rất hời hợt, vì khi đó hậu quả xảy ra rồi.

TRUNG TÂN

* Tin bài liên quan:

Vụ chó cắn chết người: Không thể bỏ qua thông tin quan trọngVụ chó cắn chết người: Nhân chứng nói gì? Xem clip Dựng lại hiện trường vụ chó Béc giê cắn chết ngườiDựng lại hiện trường vụ “chó bécgiê cắn chết người”: Nghe rất rõ lời kêu cứu Điều tra thực nghiệm hiện trường vụ chó bécgiê cắn chết ngườiĐàn chó bécgiê cắn chết một phụ nữ Hoãn phiên tòa phúc thẩm vụ đánh người ở “rẫy ông Thành”6 người làm thuê đánh thương tật 2 nạn nhân

MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên