Phóng to |
Nguyên chủ tịch UBND quận Gò Vấp Trần Kim Long tại phiên tòa sơ thẩm (lần 1) vào tháng 2-2007 - Ảnh: C.Mai |
Theo cáo trạng, bị can Trần Kim Long (nguyên chủ tịch UBND quận Gò Vấp) bị truy tố ba tội danh: nhận hối lộ, đưa hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Nguyễn Văn Tính, nguyên bí thư Quận ủy Gò Vấp, bị truy tố về tội nhận hối lộ.
“Cò” đất Phạm Thị Tuyết Lan (nguyên chủ tịch hội đồng thành viên Công ty An Hội) và Dương Công Hiệp (nguyên phó Phòng quản lý đô thị quận Gò Vấp) cùng bị truy tố về hai tội: đưa hối lộ, vi phạm các quy định về sử dụng đất đai. Hai bị can Lê Minh Châu (nguyên giám đốc Công ty địa ốc Gò Môn) và Hồ Tùng Lâm (nguyên phó giám đốc) cùng bị truy tố về hai tội: đưa hối lộ, nhận hối lộ. Nguyễn Minh Hoàng (người nhận đứng ra “chạy” án cho các bị can trong vụ án) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cáo trạng của VKS xác định: từ năm 1999, Phạm Thị Tuyết Lan đã cấu kết với Dương Công Hiệp để thu gom đất đai, chuyển nhượng trái pháp luật thu lợi hơn 16 tỉ đồng. Nhằm hợp thức hóa giấy tờ, chuyển nhượng được đất đai trót lọt, Lan đã chia cho Hiệp 3 tỉ đồng và cùng với Hiệp đưa hối lộ hơn 2,5 tỉ đồng cho giám đốc, phó giám đốc Công ty Gò Môn và Trần Kim Long (riêng Long nhận hối lộ 540 triệu đồng).
Đến khi vụ tiêu cực tại Công ty Gò Môn bị phát hiện, Trần Kim Long đã chủ động móc nối với Châu, Lâm để chi tiền nhờ Nguyễn Minh Hoàng “chạy” án. Nguyễn Minh Hoàng đã lợi dụng việc nhờ vả này (do Hoàng tự giới thiệu có thân quen với nhiều người có thẩm quyền, có khả năng “chạy” được cho Long) nhận 20 triệu đồng và 30.000 USD để chiếm đoạt.
Nguyên bí thư Quận ủy Gò Vấp Nguyễn Văn Tính biết được tiêu cực của Công ty Gò Môn cùng sai phạm của Long, Hiệp (qua thư tố cáo) và đã chỉ đạo VKS điều tra làm rõ. Tuy nhiên, khi có được báo cáo về các sai phạm trên thì Tính không chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ mà lấy báo cáo đó làm áp lực để nhận hối lộ 800 triệu đồng từ Lê Minh Châu.
Vụ án được khởi tố từ năm 2004. Lúc đầu, cơ quan tố tụng xác định đây là vụ án tham ô tại Công ty Gò Môn và truy tố ra TAND TP.HCM để xét xử. Tháng 2-2007, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên phạt Phạm Thị Tuyết Lan mức án tử hình vì cho rằng Lan chủ mưu vụ tham ô; Trần Kim Long mức án 25 năm tù (đồng phạm tội tham ô, đưa hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi); Nguyễn Văn Tính 11 năm tù (tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi). Tháng 8-2007, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.
* Viện KSND tối cao vừa có cáo trạng vụ án cố ý làm trái, tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn xảy ra tại Công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng nông lâm nghiệp Hà Nội. Trong sáu cá nhân bị truy tố, ngoài nguyên giám đốc Nguyễn Công Tụng còn có Nguyễn Tiến Hiện, nguyên trưởng phòng kế hoạch; Nguyễn Hữu Vang, nguyên giám đốc Xí nghiệp kinh doanh xây dựng nhà; Đỗ Văn Thành, nguyên kế toán trưởng; Vũ Kim Toàn, nguyên phó giám đốc; Trần Đức Long, nguyên giám đốc Xí nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu.
Theo cáo trạng, tháng 7-2000, Công ty Xuất nhập khẩu ngũ cốc TP.HCM (Công ty Grainco, thuộc Bộ NN&PTNT) có thư mời thầu chọn nhà cung cấp giống dứa cayenne cho vùng nguyên liệu dứa Đồng Nai. Ông Nguyễn Công Tụng đã chỉ đạo Nguyễn Tiến Hiện liên hệ lập hồ sơ dự thầu, còn ông Tụng cùng Vũ Kim Toàn liên hệ Công ty Giống cây trồng Hà Nội và Trung tâm kỹ thuật rau hoa quả Từ Liêm để mượn pháp nhân lập hai bộ hồ sơ dự thầu khống. Tháng 8-2000, Công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng nông lâm nghiệp Hà Nội đấu thầu và thắng gói thầu cung cấp 9,2 triệu chồi dứa cayenne cho Đồng Nai.
Nguyễn Công Tụng, Nguyễn Tiến Hiện đã liên hệ với Lưu Tuấn Kiệt, tư nhân kinh doanh cây giống, nhằm mượn pháp nhân và đứng tên giám đốc Công ty TNHH Cự Phú (Đài Loan) để mua chồi dứa giống. Hai bên ký ba hợp đồng mua chồi dứa, nâng khống giá thành và rút hơn 652 triệu đồng chênh lệch. Các bị can còn nâng khống giá vận chuyển chồi giống để chiếm đoạt hàng triệu đồng.
Đáng lưu ý, Viện KSND tối cao cáo buộc Nguyễn Công Tụng có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại 400 triệu đồng trong dự án xây dựng vườn thực vật tại xã Phú Diễn (Từ Liêm, Hà Nội). Dự án được UBND TP Hà Nội giao cho công ty làm chủ đầu tư năm 1997 với tổng mức đầu tư trên 19,2 tỉ đồng. Tại gói thầu số 1, Xí nghiệp xây dựng công trình giao thông trúng thầu trị giá 4 tỉ đồng. Bị can Tụng yêu cầu xí nghiệp này phải nộp lại 10% (tương đương 400 triệu đồng) để chi phí.
Vụ án được khởi tố năm 2005 với 11 bị can, nhưng sau đó cơ quan điều tra, Viện KSND tối cao đã quyết định đình chỉ điều tra năm bị can với lý do bệnh tật, chưa tới mức xử lý hình sự.
Truy tố nguyên phó chủ tịch huyện Đầm Dơi (Cà Mau) Ngày 13-4, thông tin từ Viện KSND tỉnh Cà Mau cho biết cơ quan này đã tống đạt quyết định truy tố sáu bị can trong vụ phá rừng phòng hộ để nuôi tôm xảy ra ở huyện Đầm Dơi. Theo đó, ông Trần Xuân Khuya, nguyên phó chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, bị truy tố về tội “vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Cùng bị truy tố về tội danh này còn có bốn bị can khác là các ông: Nguyễn Văn Tuồng, nguyên trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đầm Dơi; Trần Trung Vũ, nguyên trưởng Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Đầm Dơi; Mai Thanh Trúc, nguyên trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đầm Dơi và Nguyễn Bình Nguyên, nguyên chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Đầm Dơi. Riêng ông Dương Thanh Thạnh, nguyên hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đầm Dơi, bị truy tố về tội “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, liên quan đến việc giao khoán sai quy định hơn 65ha rừng phòng hộ xung yếu ở Đầm Dơi, cơ quan chức năng Cà Mau xác định ông Tuồng đã ký công văn đề nghị UBND huyện Đầm Dơi phê duyệt phương án giao khoán đất lâm nghiệp. Từ đó, ông Khuya ký hai quyết định và một công văn chấp thuận cho nhiều hộ dân khai thác rừng phòng hộ xung yếu với danh nghĩa giao khoán đất lâm nghiệp. Việc làm vượt quá thẩm quyền này dẫn đến việc có trên 11ha rừng bị khai thác, 16ha bị chặt phá, gần 25ha bị đào đắp để nuôi tôm với tổng sản lượng gỗ thiệt hại ước tính khoảng 807m3. |
__________
Tin bài liên quan:
Luật sư đề nghị xem xét lại tội tham ôAi đã nhận tiền... “chạy án”?Chi hơn 30.000 USD để “chạy tội”Ngày 1-2: nguyên bí thư, chủ tịch UBND Q.Gò Vấp ra tòaTruy tố 7 bị can trong vụ tiêu cực tại Gò VấpCon đường tha hóa của hai quan chứcĐề nghị truy tố nguyên bí thư và chủ tịch quận Gò VấpTP.HCM: bắt tạm giam nguyên bí thư Quận ủy Gò Vấp Nguyễn Văn TínhTrần Kim Long đã có hành vi tham ôDương Công Hiệp gom đất bán cho một công ty ở Gò VấpDương Công Hiệp, Lê Minh Châu được chia 5 tỉ đồngGia đình bị can Nguyễn Minh Hoàng nộp 500 triệu đồngNguyên Chủ tịch quận Gò Vấp được "lại quả" 5 tỉ đồngVụ tiêu cực đất Gò Vấp: hủy án sơ thẩm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận