12/05/2009 07:01 GMT+7

Khởi kiện tổng thống

NGUYỄN THỊ HẢI VÂN (Pháp)
NGUYỄN THỊ HẢI VÂN (Pháp)

TT - Những ngày đầu tháng 5, các phương tiện thông tin đại chúng Pháp đồng loạt đưa tin một thẩm phán trưởng (người đứng đầu các thẩm phán điều tra) ở Paris tuyên bố chấp nhận điều tra ba tổng thống của CH Congo, Gabon và Guinea Xích Đạo theo đơn kiện của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI). Vụ kiện cho cái nhìn mới về một nền công lý mà dựa theo đó, quan tòa có thể độc lập để làm tròn trách nhiệm xã hội giao cho.

B5POd6SY.jpgPhóng to
Phía sau cánh cổng là nơi tọa lạc dinh thự ở Paris do phu nhân tổng thống Gabon đứng tên - Ảnh: Reuters

Đây là lần đầu tiên đơn kiện của một tổ chức chống tham nhũng, tố cáo những sự việc gây thiệt hại trực tiếp đến quyền lợi của người do tổ chức đó bảo vệ được chấp nhận.

Vụ kiện vô tiền khoáng hậu

Ngày 2-12-2008, Tổ chức TI và mạng lưới luật gia Sherpa nộp đơn kiện nhằm vào ba nguyên thủ quốc gia châu Phi, sau hai lần liên tiếp đơn kiện tương tự do những tổ chức khác khởi nộp bị Viện Kiểm sát bác hồi tháng 11-2007 và tháng 9-2008.

Cả ba lãnh đạo đó đều bị tố cáo sở hữu các bất động sản ở Pháp có được do biển thủ công quỹ. Đơn kiện này nhằm vào Omar Bongo - tổng thống Gabon, Sassou Nguesso - tổng thống CH Congo và Obiang Nguema - tổng thống Guinea Xích Đạo. Các vị tổng thống còn bị cáo buộc “dung dưỡng biển thủ công quỹ, rửa tiền, lạm dụng tài sản công, lạm dụng tín nhiệm và đồng lõa”.

Hơn 200 triệu USD “của phi nghĩa”

Thông qua điều tra, thẩm phán theo dõi vụ án sẽ có thể chứng minh làm thế nào Tổng thống Omar Bongo và gia đình có thể tậu một khách sạn đặc biệt và bốn căn hộ nằm ở Q.16, Paris; Tổng thống Denis Sassou Nguesso làm thế nào để có thể sở hữu một khách sạn đặc biệt rộng 700m2, trị giá khoảng 5-10 triệu euro ở Yvelines, và một căn hộ ở Q.7, Paris...

Theo công bố trên một số báo Pháp, tổng giá trị tài sản sở hữu tại Pháp của ba nguyên thủ này lên đến 160 triệu euro (218 triệu USD).

Câu chuyện bắt đầu từ tháng 3-2007. Đơn kiện đầu tiên được nộp ở Paris nhằm vào ba nguyên thủ quốc gia này và hai nhân vật khác. Phía khởi kiện đã phát đơn dựa theo một báo cáo của cộng đồng Thiên Chúa giáo chống nạn đói và đấu tranh vì sự phát triển đang làm công tác thiện nguyện tại các quốc gia đó lập nên. Vụ việc được ghi nhận với tên gọi vụ xìcăngđan “của phi nghĩa”.

Từ nhiều luận chứng có tính thuyết phục cao, Viện Kiểm sát yêu cầu Sở Trấn áp tội phạm tài chính trung ương tiến hành điều tra. Cảnh sát lập danh sách các tổng thống và người thân cận của họ, rà soát địa chỉ tại Pháp, số tài khoản ngân hàng, xe đăng ký, và cuối cùng có được hồ sơ “siêu giàu” với đầy đủ nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này.

Mặc dù kết quả điều tra khá đầy đủ với những con số gây ngạc nhiên, nhưng Viện Kiểm sát vẫn bác đơn với lập luận rằng không thể chứng minh được thu nhập đó là từ nguồn gốc bất chính. Bên khởi kiện đã cố công chứng minh rằng những tổng thống này nhận một mức lương không tương xứng với mức chi tiêu và đa số thân nhân của họ không làm việc. Viện Kiểm sát vẫn bảo lưu ý kiến.

Bền bỉ vì công lý

Những người khởi kiện đã không bỏ cuộc. Cuối năm 2008, sau khi luật thay đổi, một đơn kiện khác được nộp trực tiếp cho quan tòa (phụ trách điều tra) Paris chuyên xem xét các vụ liên quan đến tài chính và đã nhận được lệnh mở cuộc điều tra tư pháp. Để mở một cuộc điều tra ở Pháp, luật quy định nhiều bước tiến hành khác nhau. Đơn khởi kiện phải thông qua Viện Kiểm sát, và cả hai lần trước đều bị bác. Lần này, tuy Viện Kiểm sát bảo lưu ý kiến phản đối và trước mắt đơn vị này có thời hạn năm ngày để tiến hành thủ tục phúc thẩm, nhưng lại có kết luận khả quan từ phía quan tòa phụ trách điều tra.

Nếu cuộc điều tra được tiến hành, các thẩm phán Pháp có thể đối mặt với cái gọi là sự miễn truy tố theo thông lệ dành cho các nguyên thủ quốc gia đương chức. Tuy nhiên, những người thân tín của các nguyên thủ này, về mặt lý thuyết, sẽ có thể bị bắt giữ trừ khi họ được miễn trừ ngoại giao.

Theo TI, chắc chắn số tài sản kếch sù của các vị tổng thống có được không phải nhờ vào lương bổng, do đó có thể suy đoán rằng họ biển thủ công quỹ. Daniel Lebègue, chủ tịch TI tại Pháp, gọi đây là “một quyết định lịch sử đồng thời mang tính dự báo cho sự cáo chung miễn trừ truy tố đối với những người lãnh đạo tham nhũng trên thế giới”.

Tầm quan trọng của nền tư pháp độc lập

Quyết định của bà thẩm phán trưởng là bằng chứng hùng hồn cho sự cần thiết phải tồn tại những quan tòa độc lập có ý thức rõ ràng về trách nhiệm của mình trong cuộc tấn công truy tố và hướng dẫn điều tra. Điều này đặc biệt đúng trong những hồ sơ chính trị - tài chính như vụ “của phi nghĩa”.

Khi thẩm phán Françoise Desset tuyên bố chấp nhận đơn kiện, Sherpa và TI, đại diện bên nguyên đơn, bắt đầu tạo áp lực với các cơ quan hữu quan Pháp. Trong một cuộc họp báo tổ chức hôm 6-5 vừa qua, hai tổ chức bao gồm các luật sư chuyên đấu tranh chống tham nhũng trên toàn thế giới này đã nhấn mạnh đến “trách nhiệm lớn lao của nhà nước Pháp” khi công lý chuẩn bị điều tra về những tài sản ở Pháp của các bị đơn.

Reuters dẫn lời luật sư bên nguyên hôm 7-5 cho rằng nếu vụ kiện được tiến hành thì “đã đến lúc có thể nhận diện và truy tố những kẻ xảo quyệt lại không hề biết mệt mỏi trong “công cuộc” làm nghèo đất nước của họ”.

NGUYỄN THỊ HẢI VÂN (Pháp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên