17/06/2008 05:20 GMT+7

Bi hài chuyện nguyên quán - quê quán

Luật sư NGUYỄN BẢO TRÂM - PHẠM NGỌC ÁNH HOA
Luật sư NGUYỄN BẢO TRÂM - PHẠM NGỌC ÁNH HOA

TT - Theo cách hiểu của nhiều người lâu nay, quê quán hay nguyên quán đều là quê cả. Thế nhưng có những người khác thì lại cho rằng quê quán, nguyên quán là hai khái niệm rất khác nhau. Điều đó khiến việc hiểu về quê quán, nguyên quán để khai lý lịch, làm giấy tờ cho chính xác và thống nhất quả là không đơn giản.

Báo Tuổi Trẻ ngày 30-5-2008 có đăng bài viết của luật sư Võ Hoàng Tuyên, về chuyện ông bị UBND phường gây phiền phức trong việc xác định quê quán khi đi làm khai sinh cho con. Vợ chồng ông và hai đứa con đều cùng sinh ra tại Sài Gòn - TP.HCM, thế nhưng phần quê quán thì một đứa con được ghi TP.HCM, còn một đứa phải "chịu" quê quán là Bình Dương. Xung quanh chuyện nguyên quán - quê quán có rất nhiều điều bất hợp lý.

Nên bỏ yêu cầu khai quê quán

7mvoxLIh.jpgPhóng to

Người dân đến làm thủ tục về CMND tại Công an Q.Tân Phú, TP.HCM. Những người có gia đình di chuyển nhiều nơi sẽ phải “đau đầu” khi khai quê quán - Ảnh: Thanh Đạm

TT - Theo cách hiểu của nhiều người lâu nay, quê quán hay nguyên quán đều là quê cả. Thế nhưng có những người khác thì lại cho rằng quê quán, nguyên quán là hai khái niệm rất khác nhau. Điều đó khiến việc hiểu về quê quán, nguyên quán để khai lý lịch, làm giấy tờ cho chính xác và thống nhất quả là không đơn giản.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Từ điển và pháp luật đều không rõ ràng

Theo Đại từ điển tiếng Việt của Trung tâm Ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam do Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin xuất bản năm 1999, nguyên quán là "quê gốc, phân biệt với trú quán", quê quán là "quê, nơi sinh trưởng, nơi anh em, họ hàng sinh sống lâu đời". Giải nghĩa như vậy là chưa rõ ràng.

Còn về pháp luật, trước đây Bộ Tư pháp và Bộ Công an có sự khác nhau. Thuật ngữ "nguyên quán" là do Bộ Công an đưa ra để yêu cầu người dân khai trong các giấy tờ do bộ này có thẩm quyền cấp như: chứng minh nhân dân, hộ khẩu... Còn Bộ Tư pháp sử dụng thuật ngữ "quê quán" để yêu cầu người dân khai khi đi làm giấy khai sinh, lý lịch... Mãi đến ngày 19-11-2007, Chính phủ ban hành nghị định số 170/2007/NĐ-CP sửa đổi mục "nguyên quán" thành "quê quán" thì mới có sự thống nhất. Mặc dù vậy, cho đến nay cả hai bộ Công an và Tư pháp đều chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xác định quê quán là như thế nào.

Do đó, có nơi hướng dẫn người dân khai "quê quán là nơi sinh của cha", có nơi lại hướng dẫn khai "quê quán là nơi sinh trưởng của cha", có nơi vẫn còn phân biệt nguyên quán và quê quán... Việc hướng dẫn khai không thống nhất về quê quán đã gây ra không ít những chuyện buồn cười, tranh cãi hoài không chịu dứt giữa người dân và cán bộ, giữa cấp dưới với cấp trên... Đó là chưa nói đến việc vì hiểu không thống nhất về quê quán, nguyên quán, có người đã khai lý lịch đảng viên, lý lịch đoàn viên, lý lịch cán bộ, công chức và các lý lịch khác... không chính xác, dẫn đến việc vào một ngày nào đó bị phòng tổ chức mời lên để điều tra xem có khai báo gian dối hay không.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trịnh Thị Bích, trưởng phòng hộ tịch - lý lịch tư pháp - quốc tịch Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết: trước đây Sở Tư pháp TP.HCM đã kiến nghị Bộ Tư pháp hủy bỏ qui định về kê khai quê quán, nguyên quán nhưng không được chấp nhận. Đến khi nghị định 158/2005/NĐ-CP ra đời cũng không qui định việc ghi quê quán, nguyên quán như thế nào. Vì vậy, trong công văn trả lời thắc mắc của công dân về vấn đề này, Sở Tư pháp cũng chỉ có thể căn cứ vào từ điển để giải thích, nhưng từ điển cũng không rõ ràng. Do vậy, bà Bích đã có hướng dẫn: "Việc ghi quê quán, nguyên quán là nhu cầu về mặt tình cảm của người dân, do đó giấy khai sinh có mục ghi quê quán là cán bộ hộ tịch ghi theo yêu cầu của người đi khai sinh".

Theo thông tư mới nhất của Bộ Tư pháp số 01/2008/TT-BTP ban hành ngày 2-6-2008, việc xác định quê quán được qui định như sau: quê quán của con được xác định theo quê quán của người cha hoặc quê quán của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ. Theo chúng tôi, qui định như vậy là một bước mở nhưng vẫn sẽ dẫn tới sự không nhất quán trong việc khai quê quán. Bởi lẽ nếu theo thỏa thuận của cha mẹ thì đã có sự lựa chọn một trong hai nơi, nếu theo tập quán thì mỗi vùng, miền mỗi khác. Đã không nhất quán như vậy thì làm sao có thể quản lý hiệu quả được.

Chỉ có ý nghĩa về mặt tình cảm

Quê quán xét cho cùng là nơi con người có sự gắn bó về mặt tình cảm, có ông bà, cha mẹ, dòng họ sinh sống, để đi đâu xa cũng nhớ về. Thiết nghĩ việc xác định nguyên quán, quê quán có ý nghĩa về mặt tinh thần là chính.

Ngày xưa, từ đời này sang đời khác, người ta sinh ra, lớn lên và chết đi thường chỉ ở trong một phạm vi địa lý nhỏ hẹp. Nếu có thoát ly khỏi nơi đó thì cũng hãn hữu, nên khi cần thiết cũng dễ dàng xác minh được nguyên quán, quê quán. Còn ngày nay, trong thời đại toàn cầu, người ta đi khắp thế giới, có thể sinh ra ở một nơi, lớn lên, sinh sống ở một hoặc nhiều nơi khác, và chết đi ở một nơi khác nữa. Do vậy, quê quán chỉ còn là gốc gác tổ tiên, chứ ít khi liên quan trực tiếp đến bản thân người đó. Lúc đó, liệu quê quán có ý nghĩa gì trong việc quản lý một con người? Ở nhiều nước, trong các giấy tờ quản lý công dân chỉ có khái niệm nơi sinh, quốc tịch. Giấy tờ xin cấp visa đi nước ngoài cũng chỉ yêu cầu ghi nơi sinh mà không yêu cầu ghi quê quán.

Thực tế, việc qui định về kê khai quê quán hiện nay chưa rõ ràng, chưa khoa học, không phù hợp với sự phát triển của xã hội. Chúng ta đang kêu gọi cải cách thủ tục hành chính để loại bỏ thủ tục rườm rà, không cần thiết, làm trì trệ sự phát triển của đất nước. Vậy tại sao không mạnh dạn nói lời "vĩnh biệt", hủy bỏ việc yêu cầu người dân phải khai trình quê quán, mà chỉ cần khai trình nơi sinh là đủ!

Quê quán là nước Nga, nước Mỹ?

* Cha tôi chính gốc Thừa Thiên. Thời Pháp thuộc, cha tôi về Bình Thuận làm việc. Tôi sinh ra ở đó, theo gia đình ra Quảng Ngãi, trở về Thừa Thiên rồi lại ra Nghệ An, Hà Nội. Năm 1975, tôi cùng vợ con về miền Nam sinh sống. Khi làm hộ khẩu, cán bộ hướng dẫn "nguyên quán của con chính là nơi sinh của cha". Vì vậy, nguyên quán của tôi được xác định là Thừa Thiên - Huế, còn ba đứa con tôi, hai sinh ở Hà Nội và một sinh ở Huế, thì đều phải "nhận" nguyên quán là Bình Thuận. Khi tôi thắc mắc thì cán bộ trả lời: "Trên bảo sao, dưới nghe vậy, cha sinh ở Bình Thuận, nguyên quán của con phải là Bình Thuận".

Việc xác định nguyên quán của con là nơi sinh của cha chỉ đúng khi các chủ thể là thành viên của tam, tứ, ngũ... đại đồng đường, sống quần tụ trong giới hạn một địa phương nhất định. Còn khi người ta đã thoát ly ra khỏi lũy tre làng, cây đa, bến nước, đến một tỉnh thành khác, một quốc gia khác và lập gia đình, sinh con đẻ cái ở nhiều nơi khác thì nguyên tắc này không còn giá trị.

Khi các con tôi đi làm chứng minh nhân dân cũng được hướng dẫn nguyên tắc xác định nguyên quán tương tự. Như vậy, tới đời cháu của tôi, một số đứa sẽ có nguyên quán Hà Nội, một số khác có nguyên quán Huế. Hoặc như bạn bè của tôi sinh con ở nước Nga, chẳng lẽ mai mốt cháu của họ lại có nguyên quán nước Nga? Anh công an khu vực nghe thấy bất hợp lý bèn ghi thêm vào mục nguyên quán cho con tôi chữ Thừa Thiên - Huế trong ngoặc đơn, phía sau chữ Bình Thuận!

* Tôi không hiểu tại sao lại có qui định ghi quê quán của con là nơi sinh của cha, mặc dù khoảng thời gian người cha có mặt ở nơi đó không đáng bao nhiêu để có thể gọi là "quê quán", một từ thiêng liêng mà khi đi xa người ta hay nhớ về. Chồng tôi sinh ra vào thời chiến tranh (1968). Mẹ chồng tôi sinh anh ấy tại Long An khi đang trên đường di chuyển từ Sài Gòn về Kiên Giang (quê ngoại). Sau đó ít lâu cả nhà lại quay về TP.HCM để sinh sống. Gia đình anh ấy chẳng có bà con hay quen biết ai ở Long An cả.

Vậy mà khi đăng ký khai sinh cho con tôi, phường bắt phải ghi quê quán là Long An chứ không được ghi TP.HCM vì nơi sinh của người cha là ở Long An, mặc dù cả hai vợ chồng tôi đều sinh sống tại TP.HCM từ nhỏ, và bản thân tôi là mẹ cháu cũng sinh ra tại TP.HCM! Anh trai tôi đang đi du học tại Mỹ và có hai đứa con được sinh ra ở đó. Vậy sau này con của hai đứa đó sẽ có quê quán là Mỹ! Nghĩ thật là nực cười! Tôi thiết nghĩ nơi sinh là một chuyện, còn quê quán phải là một chuyện khác. Quê quán là nơi mình gắn bó một thời gian lâu dài hoặc ít ra là nơi mà cha mẹ mình sinh sống trong một thời gian dài. Tôi đề nghị cơ quan tư pháp nên xem lại vấn đề này.

Luật sư NGUYỄN BẢO TRÂM - PHẠM NGỌC ÁNH HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên