06/05/2008 07:54 GMT+7

Mua bán thận có phạm tội?

CHI MAI ghi
CHI MAI ghi

TT - Từ vụ mua bán thận của bệnh nhân Tô Công Luân, vấn đề đặt ra là người mua bán nội tạng có bị đưa ra tòa hình sự xét xử hay không? Các bác sĩ và bệnh viện liên quan có trách nhiệm như thế nào? Gia đình nạn nhân có thể khởi kiện đòi bồi thường?

h8C08dO5.jpgPhóng to
Chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện 115, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

* Luật sư Trần Phạm Thanh Loan (Công ty luật TNHH Sài Gòn Luật):

Nguy hiểm nhưng chưa thể bắt tội

Nhận thấy vấn đề mua bán nội tạng con người là vô cùng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe con người và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức xã hội, Quốc hội nước ta đã thông qua Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác vào ngày 29-11-2006 (có hiệu lực từ 1-7-2007), trong đó có qui định nghiêm cấm hành vi mua bán mô, bộ phận, cơ thể người.

Tuy nhiên, trong vụ việc nêu trên, hành vi mua và bán nội tạng cơ thể người đều diễn ra ở Trung Quốc. Do đó hành vi này dù bị nghiêm cấm theo pháp luật nước xảy ra hành vi, nhưng có là tội phạm và có thể bị xử lý theo luật pháp VN hay không thì cần được xem xét lại.

Theo điều 6 Bộ luật hình sự: công dân VN phạm tội ở ngoài lãnh thổ VN có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự năm 1999 không có qui định hành vi mua, bán bộ phận người sống là tội phạm (chỉ có điều 246 qui định về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt). Như vậy, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua, bán bộ phận cơ thể người chưa thể thực hiện được.

* Luật sư Lê Đình Phạt (Đoàn luật sư TP.HCM):

Trung Quốc cũng không xử việc mua bán thận

1rI6L6Bz.jpgPhóng to
Theo tìm hiểu của tôi, luật pháp Trung Quốc nghiêm cấm việc mua bán nội tạng cơ thể người và có qui định nhiều biện pháp xử lý vi phạm nhưng cũng chỉ xử lý hành vi của bác sĩ, cơ sở y tế mà chưa xử lý hành vi mua bán. Bác sĩ có vi phạm sẽ bị xử phạt nặng và thu hồi giấy phép hành nghề. Cơ sở y tế đã thực hiện việc ghép tạng do mua bán cũng bị xử phạt và đình chỉ hành nghề cấy ghép tạng trong ít nhất ba năm. Mức xử phạt có thể được ấn định từ 8-10 lần chi phí của ca mua bán nội tạng. Còn đối với các quan chức bị kết tội sẽ bị sa thải.

* Luật sư Trương Xuân Tám (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu):

Chỉ có thể xử lý... bác sĩ

rYlqUaf2.jpgPhóng to
Trong trường hợp của anh Luân, có thể thấy tai biến xảy ra do trách nhiệm của các bác sĩ, bệnh viện đã phẫu thuật cắt, ghép thận. Nếu việc cắt, ghép thận này xảy ra ở VN, do các bác sĩ VN thực hiện thì với hậu quả thương tật cho bệnh nhân Luân, các bác sĩ vi phạm có thể bị xử lý về tội vô ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe người khác do vi phạm qui tắc nghề nghiệp hoặc qui tắc hành chính (điều 109). Còn trường hợp này do bác sĩ Trung Quốc tiến hành phẫu thuật thì phải xử lý trách nhiệm của các bác sĩ, bệnh viện tiến hành phẫu thuật đó theo qui định của Trung Quốc.

Về phía người mua, chắc không ai nghĩ rằng mình bỏ tiền mua nội tạng, có sức khỏe để đổi lại bằng việc người bán phải hi sinh sức khỏe, tính mạng của họ. Tuy nhiên, nếu người mua là cán bộ, đảng viên hiểu rõ qui định của luật mà vẫn cố tình vi phạm, lách luật bằng cách ra nước ngoài thực hiện thì cần xử lý về mặt Đảng, đạo đức của cán bộ công chức.

Nạn nhân có thể đòi bồi thường?

Q4oLs7U5.jpgPhóng to
Nạn nhân Tô Công Luân - Ảnh: HOÀNG KHƯƠNG

* Mặc dù hợp đồng, thỏa thuận mua bán thận là bất hợp pháp, không được pháp luật công nhận nhưng gia đình bệnh nhân Tô Công Luân vẫn có thể khởi kiện yêu cầu người môi giới mua bán thận có trách nhiệm bồi thường, người mua sẽ là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Đồng thời gia đình nạn nhân cũng có thể gửi đơn yêu cầu các cơ quan chức năng đề nghị cơ quan pháp luật Trung Quốc có biện pháp xử lý bệnh viện và các bác sĩ đứng đằng sau cuộc mua bán thận bất hợp pháp này, buộc họ phải có trách nhiệm với tổn thất cho bệnh nhân.

* Rất ít khi người mua, bán thận có hợp đồng mua bán với nhau nhưng đôi lúc có thể có giấy biên nhận nhận tiền giữa hai bên. Dù hai bên có thỏa thuận thế nào về nghĩa vụ đảm bảo sức khỏe, tính mạng của bên bán cũng khó được pháp luật chấp thuận. Có thể vì cần tiền, vì thiếu hiểu biết, kiến thức nên người bán đã cầm tiền để đổi bộ phận cơ thể mình.

Trong trường hợp xảy ra tai biến, người đã nhận nội tạng nên bằng đạo đức con người mà bồi thường chi phí chữa trị thương tật cho người bị lấy nội tạng.

---------------

Sẽ lập Trung tâm hiến ghép bộ phận cơ thể người

Ông Nguyễn Huy Quang - phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - cho biết: "Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật về hiến ghép mô tạng mới ban hành hôm 29-4. Sau đây, Bộ Y tế sẽ chuẩn bị thành lập Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng, bộ phận cơ thể người".

Theo ông Quang, thời gian qua mặc dù đã có luật nhưng chưa có hướng dẫn thực hiện. Tại VN mới thực hiện ghép tạng từ tạng hiến của người sống (chủ yếu là người cùng huyết thống với người được ghép), chưa thực hiện được ghép tạng từ người chết não. Tuy nhiên, cũng đã có một số trường hợp ghép tạng không cùng huyết thống.

"Dự thảo Luật về hiến ghép mô tạng qui định người hiến mô, tạng có thể hiến cho bất kỳ người nào có nhu cầu và cùng chỉ số y học, điều này nhằm tránh việc mua bán có thể xảy ra. Nhưng cuối cùng do nhiều lý do, luật đã ban hành theo hướng có thể hiến tặng tạng trên cơ sở có đơn tự nguyện, có địa chỉ rõ ràng và người được ghép cụ thể"- ông Quang cho biết.

Theo một số chuyên gia, điểm sửa đổi kể trên có thể khiến nảy sinh việc mua bán tạng. Và tại VN đã có những trường hợp hiến tặng tạng cho người được ghép không cùng huyết thống bị đổ vỡ do nảy sinh mâu thuẫn về tiền bạc, nhưng đến nay vẫn chưa có trường hợp mua bán mô tạng cụ thể nào bị phanh phui.

CHI MAI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên