Phóng to |
- Qua xét xử vụ tham ô đất ở Đồ Sơn mới biết tòa án của VN vẫn phải chịu quá nhiều sức ép. Qua đó cũng thấy số người khiếu kiện vượt cấp là có lý do. Trong một nền tư pháp như thế, cái hại không chỉ là án oan chất chồng mà lòng tin của dân giảm xuống.
Những mối quan hệ nhạy cảm
Một tội ở ta qui định khoảng cách của mức án quá dài, từ 1-5 năm hay từ 7 -15 năm. Nên đôi khi có vụ trong ngành ai cũng hiểu trường hợp này phải 12 năm tù, nhưng nếu bị tác động, tòa có thể xử xuống bảy năm, vẫn nằm trong khung phạt. Chênh năm năm nhưng không ai bắt bẻ được. Đây là cơ hội để người ta chạy án. |
- Trước đây kinh phí hoạt động của tòa án cấp huyện do huyện cấp, cấp tỉnh do tỉnh cấp. Đến nay, kinh phí này đã được chuyển theo ngành dọc, áp lực đã giảm đi. Song đúng là những mối liên hệ tế nhị vẫn còn. Nếu theo sách vở “chỉ tuân theo pháp luật” thì không có chuyện gì nhưng bản tính con người lại khác, vụ xét xử tham nhũng đất ở Đồ Sơn chính là một ví dụ. Lãnh đạo tỉnh biết rõ pháp luật nhưng vẫn gợi ý trái.
Nguyên tắc là tòa án, thẩm phán phải hoàn toàn độc lập, nhưng tòa nằm ở địa phương, không xem xét đề nghị của lãnh đạo địa phương thì rất khó. Ông phó chánh án tỉnh vẫn xem ông bí thư thành ủy là cấp trên của mình cơ mà. Hơn nữa, trong công việc còn rất nhiều mối liên hệ khó nói khác nữa mà bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội.
* Sức ép đầu tiên tác động tới tòa án là từ chính quyền cơ sở? Tác động này trực tiếp và hiệu quả?
- Chánh án, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thường là tỉnh ủy viên. Mà lãnh đạo của các tỉnh ủy viên là bí thư tỉnh ủy. Như vậy, dù tòa không lệ thuộc, không phải xin xỏ kinh phí nhưng anh vẫn phải sinh hoạt, vẫn phải hoạt động dưới sự chỉ đạo của ông bí thư. Khi xét xử nhiều vụ án, nếu là vụ án lớn thì nhiều vị chánh án còn phải xin ý kiến cấp ủy. Nếu cấp ủy chí công vô tư thì quá tốt.
Nhưng nếu có vấn đề “động chạm” như dân ta vẫn nói, mà các vị lãnh đạo lại quan tâm quá mức đến độ gửi công văn 2-3 lần đề nghị phải như thế này, như thế kia thì quả là tòa án rất khó xử. Nếu thẩm phán cực kỳ bản lĩnh, ông sẽ phải làm báo cáo với chánh án TAND tỉnh hoặc tới hẳn TAND tối cao. Còn thẩm phán mà nể cấp trên, xử theo thứ tình cảm nào đó thì bản án sẽ sai đi, có thể khó xác định như chuyển từ tội này sang tội khác, từ mức này xuống mức kia, thậm chí trái pháp luật như vụ xét xử tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn, Hải Phòng.
* Thẩm phán năm năm bổ nhiệm lại một lần. Vị nào “bản lĩnh quá”, không làm hài lòng cấp trên có thể mất nghiệp chứ chẳng chơi?
- Để được bổ nhiệm, ngay các vị đứng đầu ngành tư pháp ở địa phương cần có ý kiến ủng hộ của chính quyền cơ sở. Riêng thẩm phán năm năm một lần phải bổ nhiệm lại theo luật, khâu này cũng là một sức ép. Con đường sự nghiệp dở dang ai cũng sợ. Bổ nhiệm thẩm phán không phải quyền của tỉnh nhưng có thể nhận định, nhận xét hoặc yêu cầu chánh án là tỉnh ủy viên xem xét lại. Không thiếu gì cách...
Có lẽ vị chủ tọa đang bị chỉ trích ở Hải Phòng cũng lo nếu không xét xử như ý kiến của lãnh đạo rất có thể ông ấy sẽ bị gây khó khăn về sau. Thuyên chuyển công tác chẳng hạn. Nên đứng trước hai khả năng: đấu tranh cá nhân nhỏ nhoi để có thể gặp khó khăn trong sự nghiệp với việc làm theo ý kiến “cấp trên” đường công danh sẽ thuận lợi. TAND TP Hải Phòng đã làm theo cách thứ hai dù biết rõ nó sai.
* Không chỉ cấp trên mà tòa án đôi khi còn phải chịu sức ép của chính các cơ quan điều tra?
- Nếu có người nào nói như thế, tôi không phản đối. Một vụ án muốn đưa ra xét xử phải trải qua nhiều giai đoạn. Các cơ quan nhà nước vẫn có tâm lý nể nhau.
* Hội thẩm nhân dân là một thiết chế để giảm oan sai nhưng xem ra những người này cũng đang chịu không ít sức ép và những điều khó nói?
- Hội thẩm nhân dân thật ra còn phải chịu sức ép nhiều hơn cả thẩm phán. Những người được chọn làm hội thẩm nhân dân, theo qui định, là người am hiểu pháp luật. Việc chọn hội thẩm nhân dân cũng còn nhiều tế nhị. Nếu xét xử quan chức trong tỉnh mà lại chọn một ông phó giám đốc ở sở, ban, ngành nào đó của tỉnh thì “xong rồi”. Luật nói quyền của hội thẩm nhân dân và thẩm phán là ngang nhau, nhưng nếu hội thẩm trái ý thì người ta vẫn có cách hạn chế vì chủ tọa kết luận cuối cùng. Còn nếu “đồng tâm” thì bản án bị tác động nhiều.
* Nếu cứ để kiểu xét xử còn có nhiều sức ép thế này thì án oan, người khiếu kiện vượt cấp khó lòng giảm xuống?
- Trong các vụ án hình sự, tội danh thường rõ ràng. Trong các án dân sự, người ta còn có thể hiểu rất mênh mông. Phải thật chí công vô tư mới cho ra một bản án đúng.
Làm gì để có nhiều “Bao Công”?
* Bao Công giỏi nhất ở chỗ ông chỉ tuân theo pháp luật. Muốn tòa án VN chí công, cần qui định hội đồng xét xử không được xem xét bất cứ một hình thức văn bản đề nghị, gợi ý, định hướng nào?
- Luật của ta không cấm điều đó. Tòa có quyền xem xét các tình tiết giảm nhẹ như người ta có công với nước, phạm tội lần đầu qua các văn bản do cơ quan hữu quan gửi đến. Nên không xem xét là không đúng.
Vả lại nếu có cấm cũng không giải quyết được. Không hình thức này thì họ sẽ có hình thức khác. Không công văn thì họ có thể gọi điện hay nói thầm bên lề hội nghị. Nên phải làm từ gốc vấn đề, tức phải làm ra cơ chế để tòa án độc lập khỏi hành pháp và áp dụng hình thức tranh tụng trong xét xử. Nếu tranh tụng nói có tội thì phải xử có tội và ngược lại. Chứ không thể để luật sư cứ nói, tòa không nghe cứ không nghe.
* Nếu ông chánh án TAND tỉnh vẫn là tỉnh ủy viên sẽ rất khó xử các quan chức địa phương. Nên tìm một hình thức khác để tăng tính độc lập cho tòa?
- Ông chánh án TAND tỉnh tham gia thành ủy, tỉnh ủy là một cơ chế của Đảng mà tôi không thể nói nó sai hay đúng. Song hiện nhiều tỉnh, chánh án không phải tỉnh ủy viên. Cơ chế như thế đã ổn chưa, sắp tới nên như thế nào tôi tin Đảng sẽ có nghiên cứu. Còn hiện tại, với cơ chế như hiện nay, nếu bị can thiệp, những người đại diện pháp luật đứng ra xét xử cần phải có bản lĩnh.
* Để thượng tôn pháp luật, cần bãi bỏ ngay các cuộc họp liên ngành giữa công an, kiểm sát và tòa án. Thói quen trong các cuộc họp ấy là thống nhất luôn bản án?
- Đấy là đáng sợ, luật chưa đề cập, chưa nói hẳn là cấm. Họp thông báo thôi thì không sao nhưng nếu chỉ thông báo thì gửi văn bản chứ cần gì phải họp? Nếu ông họp, nêu quan điểm, rồi tiện thể thống nhất quan điểm luôn thì đó là hình thức “án bỏ túi” mà chúng ta đang chống. Nếu cứ họp liên ngành để “thống nhất quan điểm” thì mức án gần như đã xong, chẳng cần luật sư, chẳng cần xử làm gì, ông cứ ra luôn cái thông báo là xong. Cải cách tư pháp phải làm rõ điều này.
Đúng ra việc của cảnh sát, cảnh sát cứ làm. Kiểm sát thấy sai thì đòi phải làm lại, đúng thì thôi, không cần phải họp. Hiện tại thì họp liên ngành công an, kiểm sát, tòa án vẫn còn. Nếu VN hội nhập, thế giới không ai họ chấp nhận hình thức ấy.
Hãy bắt đầu từ vụ đất Đồ Sơn
* Muốn cải cách tư pháp tốt thì sự trả giá của hội đồng xét xử trước những án oan phải nặng hơn nữa. Vụ xét xử tham nhũng đất ở Đồ Sơn là cơ hội cần tận dụng ngay để răn đe?
- Đúng là trách nhiệm của những người xét xử phải lớn hơn. Trong vụ xử đất Đồ Sơn, phải xem xét trách nhiệm cả ông thẩm phán vì ông có nhiệm vụ phải buộc tội. Lợi dụng không có người bị hại nên ông buộc tội quá nhẹ, chà đạp lên niềm tin của người dân. Khi nghe kết quả xử án vụ tham nhũng đất Đồ Sơn, người dân đã bị “sốc”. Trong vụ này, cái hại là uy tín của nền tư pháp VN, của công cuộc đấu tranh chống tham nhũng vừa được lãnh đạo nhà nước tuyên bố là “quyết tâm”, là “dù ở chức vụ nào cũng xử”.
* Cố ý xử sai, có phải xem xét trách nhiệm hình sự?
- Thật ra hội đồng xét xử mắc khá nhiều lỗi. Có thể buộc tội họ “ra bản án trái pháp luật” (án từ 1-3 năm tù). Còn tội “cố ý làm trái các qui định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”, hậu quả nghiêm trọng, theo tôi, đã cấu thành vì người dân chắc ai cũng tự hỏi nền pháp chế của ta thế nào mà có thể cho ra một bản án ngang trái như thế? Uy tín của Nhà nước bị giảm. Nhưng để truy tố họ vẫn khó. Nếu không chứng minh được người ta xử sai vì mục đích tư lợi thì gần như không thể truy cứu trách nhiệm hình sự được. Pháp luật của ta như thế.
Những câu hỏi không thể có câu trả lời qua vụ xử đất Đồ Sơn - Vụ án điểm, lớn như thế mà người ta dám can thiệp, dám xử sai trắng trợn, còn với người dân thì sao nhỉ? - Nếu cứ để tình trạng chính quyền các cấp được can thiệp, định hướng thì không biết các cán bộ địa phương từ trước đến nay có được xử đúng pháp luật không? - Những người trực tiếp xử sai và nặng hơn, những người biết rõ sai vẫn định hướng “xử nhẹ nhàng” có bị truy cứu trách nhiệm theo đúng bản chất sự việc hay lại bị chìm xuồng với một mức kỷ luật vô thưởng vô phạt? Trả lời những câu hỏi này là trách nhiệm chính trị và trách nhiệm lương tâm với Tổ quốc, với nhân dân của những vị được dân bầu, dân chu cấp. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận