19/12/2003 08:37 GMT+7

Vì sao Phú Mỹ Hưng không nộp 457 tỉ đồng tiền thuế?

V.H.Q. thực hiện 
V.H.Q. thực hiện 

TT - Cục Thuế TP.HCM vừa có ý kiến chính thức về tổng số nợ thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng từ năm 2000 đến chín tháng đầu năm 2003 lên đến gần 457 tỉ đồng. Mặc dù Cục Thuế đã có nhiều văn bản “nhắc”, thậm chí đôn đốc công ty phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, nhưng thay vì nhanh chóng thực hiện thì công ty này lại viện ra hàng loạt lý do để chây ì nghĩa vụ nộp thuế.

wKgnJHnk.jpgPhóng to
Khu chung cư cao cấp tại trung tâm khu đô thị mới Nam Sài Gòn
TT - Cục Thuế TP.HCM vừa có ý kiến chính thức về tổng số nợ thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng từ năm 2000 đến chín tháng đầu năm 2003 lên đến gần 457 tỉ đồng. Mặc dù Cục Thuế đã có nhiều văn bản “nhắc”, thậm chí đôn đốc công ty phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, nhưng thay vì nhanh chóng thực hiện thì công ty này lại viện ra hàng loạt lý do để chây ì nghĩa vụ nộp thuế.

Tại sao một liên doanh lớn như Phú Mỹ Hưng với không ít những ưu đãi trong quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và những khoản tiền thu lợi nhuận khổng lồ từ kinh doanh mua bán địa ốc lại có thể vi phạm pháp luật như vậy?

Từ xây cầu, làm đường... đến kinh doanh địa ốc!

Theo giấy phép của Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư năm 1993 (sau này là Bộ Kế hoạch -đầu tư), Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng được thành lập để xây dựng, kinh doanh tuyến đường ôtô dài 17,8km, rộng 60m từ phía bắc huyện Nhà Bè đến huyện Bình Chánh, TP.HCM và xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng tại các cụm phát triển dọc hai bên đoạn đường này với tổng diện tích khoảng 600ha. Tổng vốn đầu tư là 242 triệu USD, trong đó vốn pháp định của công ty liên doanh là 60 triệu USD (bên VN góp 30% bằng quyền sử dụng đất 50 năm, bên nước ngoài 70%). Giấy phép qui định công ty liên doanh có nghĩa vụ nộp cho Nhà nước thuế lợi tức 10% (nay là thuế thu nhập doanh nghiệp) trên lợi nhuận thu được do kinh doanh cơ sở hạ tầng của các cụm phát triển. Công ty liên doanh được miễn thuế lợi tức bốn năm kể từ khi kinh doanh có lãi và giảm 50% trong bốn năm tiếp theo.

Trong quá trình liên doanh đi vào hoạt động, đã có nhiều thay đổi, điều chỉnh trong giấy phép đầu tư, bắt đầu từ tháng 4 -1998 Công ty Phú Mỹ Hưng trình lên UBND TP.HCM cùng lúc ba dự án xây dựng, kinh doanh: dự án thành lập sân golf và sân tập golf Nam Sài Gòn với diện tích đất là 105.000m2, vốn đầu tư 2 triệu USD; dự án xây dựng công viên và sân trượt patin cũng tại khu vực trên với diện tích 16.544m2, vốn đầu tư hơn 109.000 USD và dự án xây dựng thí điểm khu phố đa hợp Mỹ Hưng tại lô H7 khu A đô thị mới Nam Sài Gòn với diện tích 15.540m2 để bán cho các đối tượng là công dân VN.

Người mua nhà được UBND TP cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở, phải đóng tiền sử dụng đất cho ngân sách Nhà nước VN. Cả ba dự án kinh doanh nói trên đều được UBND TP chấp thuận, cấp giấy phép “con” cho Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng. Tiếp tục, ngày 29-8-1998 liên doanh trình dự án xây dựng khu phố Mỹ Cảnh tại lô H14 cũng với diện tích 15.540m2; ngày 18-5-1999, liên doanh Phú Mỹ Hưng cho ra đời dự án bãi đậu xe tạm thời, phục vụ khu vui chơi giải trí Sài Gòn Wonderland với diện tích sử dụng 14.125m2, vốn đầu tư 41.000 USD; tháng 8-2000 dự án xây dựng khu nhà ở tại lô R16 với diện tích 8.357m2 và đều được UBND TP đồng ý.

Thực chất của các dự án đầu tư, xây dựng “thí điểm” nói trên là kinh doanh nhà đất, vì Phú Mỹ Hưng đã nhận thấy những khoản lợi nhuận béo bở từ kinh doanh địa ốc sau khi cơ sở hạ tầng được đầu tư mở mang. Trên các giấy phép con này, UBND TP cũng “ràng buộc” bằng qui định: “Công ty liên doanh có nghĩa vụ thuế lợi tức bằng 25% lợi nhuận thu được; các loại thuế khác theo qui định hiện hành tại thời điểm nộp thuế hằng năm; khi chuyển lợi nhuận ra khỏi VN, bên nước ngoài nộp thuế bằng 7% số lợi nhuận chuyển ra”. Tất cả các dự án được ráo riết thực hiện, đặc biệt các khu đô thị được phân lô, mời gọi người mua đặt cọc, và thực tế sau khi được phép đầu tư xây dựng, các lô đất trên đều đã có “chủ”.

Thuế suất 10% hay 25%?

1P8yi2q5.jpgPhóng to
Theo các văn bản của Cục Thuế TP.HCM: doanh thu từ năm 1993 đến năm 2000 là hơn 18,3 triệu USD; lợi nhuận là 3,6 triệu USD (bắt đầu có lãi từ năm 2000). Năm 2001, thu nhập theo báo cáo tài chính của công ty “vọt” lên trên 43,7 triệu USD và công ty xin chuyển số thu nhập được chia về nước 26,3 triệu USD. Thế nhưng, đến hạn phải thực hiện nghĩa vụ thuế thì liên doanh Phú Mỹ Hưng lại... quên!

Năm 2002, Cục Thuế TP yêu cầu công ty phải nộp theo biên bản quyết toán thuế năm 2000 gần tỉ đồng. Tiếp đó, Cục Thuế yêu cầu công ty nộp theo biên bản quyết toán thuế năm 2001 hơn 69,5 tỉ đồng; năm 2002 (tạm tính) trên 233,3 tỉ đồng và chín tháng đầu năm 2003 (tạm tính) hơn 145,3 tỉ đồng. Tất cả đều dựa trên các điều khoản hạng mục công trình xây dựng, kinh doanh (thuế suất 25%) theo giấy phép của UBND TP.

Tại công văn ngày 29-9-2003, Cục Thuế ghi “trong khi chờ giải quyết (khiếu nại) đối tượng nộp thuế vẫn phải nộp đủ và đúng thời hạn số tiền thuế, tiền phạt đã thông báo” nhưng công ty vẫn dây dưa không nộp. Trong khi đó, liên doanh Phú Mỹ Hưng lại chạy đôn chạy đáo xin chuyển thu nhập ra nước ngoài hơn 26,3 triệu USD như đã nói ở trên. Dù liên doanh này chưa nộp một đồng xu cắc bạc nào cho Nhà nước VN nhưng thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Cục Thuế TP đã tạm chuyển thu nhập ra nước ngoài của năm 2000 và 2001 ba đợt với số tiền 10,6 triệu USD.

Còn Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng đã gửi công văn đến các cơ quan chức năng, cho rằng UBND TP.HCM đã ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực và thu hồi các giấy phép đầu tư từ ngày 30-6-2003 (các giấy phép con cho phép kinh doanh nhà, sân chơi...) mà UBND TP đã cấp cho công ty trước đây. Đồng thời tại các quyết định này, TP cũng xác định là mọi hoạt động kinh doanh của công ty đều theo tinh thần giấy phép đầu tư của Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư. Nghĩa là theo công ty thì việc kinh doanh địa ốc cũng nằm trong hoạt động kinh doanh cơ sở hạ tầng, do đó thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 10% và được miễn giảm trong tám năm (miễn thuế bốn năm đầu, và giảm 50% trong bốn năm tiếp theo).

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch - đầu tư trong văn bản gửi Công ty Phú Mỹ Hưng về thuế thu nhập doanh nghiệp, cho biết tại thời điểm cấp giấy phép đầu tư (tạm gọi giấy phép “mẹ”), theo qui định của pháp luật VN, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa được phép hoạt động các hoạt động cho các nhà đầu tư thuê lại đất; bán nhà cho các cá nhân, tổ chức... (giấy phép “con” cho phép sau này) và Bộ Kế hoạch - đầu tư khẳng định: “Mức thuế lợi tức (nay là thuế thu nhập doanh nghiệp) là 10% áp dụng cho hoạt động kinh doanh cơ sở hạ tầng của các cụm phát triển, chưa bao gồm các hoạt động mới được Thủ tướng Chính phủ cho phép”.

Ngay cả văn bản hướng dẫn của Tổng cục Thuế cũng khẳng định Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng phải hạch toán riêng kết quả kinh doanh của từng dự án và thực hiện các nghĩa vụ về thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo đúng các qui định tại giấy phép đầu tư cấp cho từng dự án. Nghĩa là cả hai cơ quan chức năng đều khẳng định phải rạch ròi giữa xây dựng cơ sở hạ tầng (thuế suất 10%) với kinh doanh đất đai, kho bãi, sân chơi (thuế suất 25%).

Điều ngạc nhiên là khi xin đầu tư các dự án kinh doanh và được UBND TP phê duyệt (từ tháng 4-1998 đến 30-6-2003), với điều khoản trên giấy trắng mực đen rõ ràng về mức thuế phải nộp 25% trên lợi nhuận thu được (không miễn giảm), Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng không một mảy may phản ứng về mức thuế này mà tích cực lao vào thực hiện dự án thu hút lợi nhuận. Nhưng khi Bộ Kế hoạch - đầu tư có ý kiến về giấy phép con thì chính Công ty Phú Mỹ Hưng lại tích cực đề nghị UBND TP rút lại và chấm dứt hiệu lực mà UBND TP ban hành.

Ngày 30-6-2003, UBND TP đã ra quyết định rút toàn bộ tám giấy phép con đã cấp trước đó cho Công ty Phú Mỹ Hưng, thì ngày 25-7-2003 công ty này lập tức lên tiếng: “Áp dụng mức thuế suất 25% cho các hoạt động kinh doanh nhà đất của công ty căn cứ vào các giấy phép con UBND TP cấp cho công ty trước đây là không có cơ sở, vì ngày 30-6-2003 UBND TP có quyết định chấm dứt hiệu lực pháp lý và thu hồi các giấy phép đầu tư mà UBND TP đã cấp cho công ty trước đây.

qSdOSL2w.jpgPhóng to
Theo ý kiến của UBND TP.HCM trong quyết định này là mọi hoạt động kinh doanh của Công ty Phú Mỹ Hưng đều theo giấy phép 602/GT (của Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư trước đây)”. Đến khi Bộ Kế hoạch - đầu tư quyết định bổ sung giấy phép đầu tư (ngày 20-10-2003), trong đó qui định “đối với việc xây dựng và kinh doanh khu đô thị mới và các hạng mục kinh doanh dịch vụ khác (sân tập golf, trượt patin...), trừ trường học và bệnh viện, áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%”, thì liên doanh này lại tiếp tục lên tiếng “kêu cứu” các cơ quan trung ương đòi nộp theo thuế suất 10% của giấy phép “mẹ”.

Cục Thuế TP cho rằng các giấy phép con mà UBND TP cấp cho Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng chấm dứt hiệu lực từ ngày 30-6-2003, thì đương nhiên số thuế phát sinh của các giấy phép con nêu trên vẫn có hiệu lực từ ngày ký đến ngày 30-6-2003. Tức là thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 25%.

Thế nhưng, liên doanh Phú Mỹ Hưng vẫn gần như cố tình không hiểu, lập lờ giữa các văn bản nhằm thoái thác nghĩa vụ nộp thuế 457 tỉ đồng là thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2000, 2001, 2002 và chín tháng đầu năm 2003; nếu Công ty Phú Mỹ Hưng được nộp thuế 10% theo đề nghị của họ, điều đó cũng đồng nghĩa với việc công ty sẽ không phải đóng cho Nhà nước một xu nào vì được miễn thuế bốn năm và giảm 50% trong bốn năm tiếp theo. Trong khi các ngôi biệt thự, những căn nhà đã bán, công ty đã thu đầy đủ mức thuế trên.

Như thế đã rõ, Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng không thể có một ưu đãi nào đặc biệt hơn so với hàng chục công ty liên doanh khác đang hoạt động ở TP.HCM. Những doanh nghiệp này đã không khỏi bàng hoàng khi Cục Thuế TP công bố số nợ thuế của liên doanh tầm cỡ này từ năm 2000 đến nay lên đến gần 457 tỉ đồng và đang cố “chạy” để được giảm mức thuế suất - một dấu hiệu bất thường đối với hoạt động kinh doanh đầu tư ở VN.

Phó tổng giám đốc Cty liên doanh Phú Mỹ Hưng, Phạm Xuân Bình: Cty sẵn sàng nộp thuế, nhưng...

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ sáng 18-12, ông Phạm Xuân Bình - phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng - cho biết năm 2000 và 2001 sau khi công ty có quyết toán thuế thì Cục Thuế TP.HCM có văn bản yêu cầu nộp thuế căn cứ vào các giấy phép con kinh doanh dự án Mỹ Cảnh, Mỹ Hưng, Mỹ An, Hưng Vượng với thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 25%, còn những dự án không có giấy phép kinh doanh cũng tạm tính với mức thuế suất 25%. Năm 2003 cũng vậy, công ty sẵn sàng đóng thuế đối với các dự án có giấy phép kinh doanh, nhưng việc Cục Thuế tạm tính đối với các dự án không có giấy phép kinh doanh thì công ty không đồng ý.

* Nhưng đến nay, theo thông báo của Cục Thuế, số nợ thuế đã lên đến gần 457 tỉ, công ty vẫn chưa đóng một đồng nào?

- Thuế thu nhập doanh nghiệp là lãi nên có sẵn, nếu nộp cũng không thành vấn đề gì về mặt mất cân đối. Nhưng Cục Thuế không đồng ý mà yêu cầu nộp luôn cả phần tạm tính, do đó chúng tôi không đồng ý.

* Thưa ông, mới đây Bộ Kế hoạch - đầu tư trong quyết định cấp phép bổ sung đã nêu rõ hai mức thuế mà công ty phải nộp, đó là mức 10% đối với việc thiết kế, xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng và 25% đối với việc xây dựng và kinh doanh khu đô thị mới và các hạng mục kinh doanh dịch vụ khác nhưng tại sao công ty vẫn chưa thực hiện?

- Công ty đang kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ yêu cầu có ý kiến chính thức, còn để thực hiện giấy phép trên của Bộ Kế hoạch - đầu tư thì phải đợi hướng dẫn của Bộ Tài chính về cơ chế hạch toán và nộp thuế nhưng đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa có văn bản chính thức hướng dẫn thực hiện. Hơn nữa, giấy phép của Bộ Kế hoạch - đầu tư có hiệu lực từ tháng 10-2003, công ty không hiểu chế độ miễn giảm thuế trước khi giấy phép có hiệu lực được thực hiện thế nào?

* Cảm ơn ông.

V.H.Q. thực hiện 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên