16/08/2012 07:15 GMT+7

4.200 khu mỏ cày xới môi trường

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Báo cáo của Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường cho thấy đất nước đang bị cày xới bởi khoảng 2.000 doanh nghiệp với 4.201 giấy phép khai thác khoáng sản các loại.

VwLElEnP.jpgPhóng to
Khai thác titan ở Bình Định -Ảnh: Tiến Thành

Chiều 15-8, thảo luận nội dung bản báo cáo này, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan.

Cấp phép tràn lan

Theo báo cáo, đến nay nước ta phát hiện trên 5.000 mỏ và điểm quặng với trên 60 loại khoáng sản. Công tác điều tra địa chất, thăm dò rất chậm, đánh giá khoáng sản mới chủ yếu ở phần trên bề mặt hoặc đến độ sâu 50-100m và mới chỉ điều tra gần 60% lãnh thổ đất liền, điều tra địa chất về khoáng sản biển cũng chỉ ở giai đoạn đầu. Ngành công nghiệp khai khoáng trong những năm gần đây đóng góp 10-11% GDP (bao gồm cả dầu, khí).

GS.TS Phan Xuân Dũng, chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường, cho biết tính đến tháng 7-2011 có hơn 4.200 giấy phép khai thác khoáng sản các loại được cấp. “Số lượng cấp giấy phép khai thác khoáng sản của các địa phương khá lớn, vượt quá nhu cầu, làm tổn hại tới môi trường, thất thoát tài nguyên khoáng sản. Chỉ trong ba năm (2005-2008), UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương đã cấp gần 3.500 giấy phép khai thác, gấp hơn bảy lần số lượng trung ương cấp trong 12 năm. Theo đó, tổn thất tài nguyên khoáng sản là rất lớn, nhất là các địa phương có biên giới, có cảng thì xuất khẩu khoáng sản thô khá nhiều” - ông Dũng nói. Theo thống kê chưa đầy đủ, số doanh nghiệp tham gia hoạt động trong công nghiệp khai thác mỏ tăng nhanh, từ 427 doanh nghiệp (năm 2000) đến nay đã gần 2.000 doanh nghiệp.

Một trong những tồn tại được báo cáo giám sát chỉ ra là tình trạng nhiều quy hoạch khoáng sản thiếu tính thực tiễn, luôn phải thay đổi, điều chỉnh làm mất vai trò định hướng, gây nên sự mất cân đối giữa khai thác, chế biến sâu và sử dụng, dẫn đến hậu quả xuất khẩu khoáng sản thô quá mức. Quy hoạch chồng quy hoạch, nhiều quy hoạch cấp địa phương chưa có sự thống nhất với quy hoạch khoáng sản cấp trung ương do được soạn thảo theo ý chí nhiều hơn là trên cơ sở khoa học và thực tiễn.

Ai chịu trách nhiệm?

Để khắc phục tình trạng này, đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chấn chỉnh công tác cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản phù hợp với quy hoạch, chỉ cấp cho các trường hợp khai thác có gắn với chế biến sâu khoáng sản. Lựa chọn đúng chủ đầu tư, tránh lợi dụng việc xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản để chiếm giữ mỏ, bán mỏ. Những mỏ nào nếu khai thác không đem lại hiệu quả tổng thể cho xã hội, cho quốc gia thì kiên quyết đóng cửa.

“Báo cáo giám sát phải chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm. Đánh giá rất hay nhưng không chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm thì việc khắc phục sẽ không hiệu quả” - chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhận xét. Đồng tình với bà Mai, chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa nêu tình trạng hiện rất nhiều địa phương bức xúc trước tình trạng cát tặc, sỏi tặc, vàng tặc, đá tặc... gây nhiều hệ lụy về môi trường và các vấn đề xã hội khác. “Tôi vừa đi tiếp xúc cử tri tại huyện Phù Ninh (Phú Thọ), nơi có sông Lô chảy qua. Dân nói với tôi rằng hiện nay nạn khai thác cát rất phức tạp, đã xảy ra nhiều vụ giết người vì khai thác cát. Tôi thấy báo cáo đã nêu lên được nhiều đánh giá, nhưng so với bức xúc của thực tế thì tôi rất băn khoăn” - ông Khoa phân tích.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý: “Khai thác than xuất khẩu thế nào, nói rằng bây giờ xuất rồi vài ba năm nữa phải nhập, vậy đoàn giám sát có kiến nghị gì về vấn đề này không? Tỉnh Ninh Bình có số lượng nhà máy ximăng nhiều nhất nước, chiếm 1/3 sản lượng cả nước thì có vấn đề gì ở đây? Nạn khai thác cát tràn lan, ảnh hưởng dòng chảy, sạt lở, ảnh hưởng nguồn nước... đang nóng như vậy thì xử lý thế nào? Phải chỉ rõ bộ nào, tỉnh nào, cơ quan, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm. Các đồng chí đã đi giám sát đến tận nơi, thấy rõ rồi thì cứ chỉ ra thôi”.

Đồng tình phải ra nghị quyết sau giám sát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói rằng “nghị quyết không phải là lời khuyên”. Ông Hùng yêu cầu nghị quyết nên chỉ đúng tên người phải giải quyết, những vấn đề gì cần giải quyết, bao giờ giải quyết xong và phải báo cáo ai. “Trong hơn 4.000 cái giấy phép đã cấp thì phải làm rõ sai, đúng thế nào” - ông Hùng yêu cầu.

90% vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường

Tai nạn lao động và tai nạn lao động chết người trong khai thác khoáng sản những năm gần gây luôn chiếm tỉ lệ cao, khoảng 20% tổng số vụ tai nạn lao động và có hàng ngàn người bị bệnh nghề nghiệp. Môi trường lao động trong hoạt động khai thác khoáng sản đang bị ô nhiễm làm nhiều người bị bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là bệnh bụi phổi nghề nghiệp. Môi trường ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng trong phạm vi mỏ mà còn đang tác động không nhỏ đến một bộ phận rất lớn người dân sinh sống trong khu vực.

Theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, trên 90% cơ sở sản xuất kinh doanh khai thác, chế biến khoáng sản vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Từ năm 2007 đến tháng 7-2012, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện xử lý 4.142 vụ. Riêng năm 2011 và sáu tháng đầu năm 2012 phát hiện và xử lý 2.117 vụ, phạt vi phạm hành chính 21,7 tỉ đồng.

(Trích báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường)

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên