03/12/2011 09:26 GMT+7

Cấp bách bảo vệ sông Đồng Nai

ANH THOA - NGUYỄN TRIỀU
ANH THOA - NGUYỄN TRIỀU

TT - Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Minh Quang tại phiên họp lần thứ tư của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai (gọi tắt là Ủy ban sông Đồng Nai), diễn ra ở tỉnh Bình Dương sáng 2-12.

V9QTeuRD.jpgPhóng to

Đại tá Phan Hữu Vinh, phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, phát biểu tại hội nghị của Ủy ban sông Đồng Nai - Ảnh: Nguyễn Triều

Ông Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh: dù đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế 11 tỉnh thành khu vực phía Nam với dân số hơn 15 triệu dân, nhưng nguồn nước sông Đồng Nai đang chịu áp lực lớn về ô nhiễm do lượng nước thải từ khoảng 60 khu công nghiệp, với lưu lượng thải khoảng 500.000m3 nước/ngày.

Ngoài ra, mỗi ngày lưu vực sông còn phải tiếp nhận hơn 1 triệu m3 nước thải sinh hoạt từ các khu đô thị. Do đó nhiệm vụ bảo vệ môi trường đối với lưu vực sông này đang được đặt ra rất cấp bách.

Chặn nguồn ô nhiễm

Nghiên cứu công nghệ chế biến bùn đỏ

Về xử lý bùn đỏ thải ra từ quy trình khai thác và chế biến quặng bôxit có thể ảnh hưởng đến sông Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Nguyễn Văn Lạng cho hay hiện các đơn vị thuộc bộ đang nghiên cứu công nghệ chế biến bùn đỏ để thu hồi xút và sản xuất các vật liệu khác. “Ngoài việc thu hồi xút, thành phần còn lại của bùn đỏ có thể chế biến thành gang và phụ gia ximăng. Xin báo một tin vui, chúng tôi đã thử nghiệm thành công trong phòng thí nghiệm và đang triển khai thử nghiệm ở quy mô lớn hơn” - ông Lạng cho biết.

Các báo cáo của văn phòng Ủy ban sông Đồng Nai và UBND các tỉnh tại phiên họp cho thấy công tác bảo vệ môi trường những năm qua của các địa phương đã có chuyển biến tích cực. Các tỉnh đều có kế hoạch triển khai thực hiện các đề án bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên phần lớn các dự án mang tính chất địa phương, chưa phối hợp liên vùng nên hiệu quả về mặt tổng thể chưa được đánh giá rõ rệt.

Đại tá Phan Hữu Vinh, phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, cho rằng nhờ thanh tra, công an tăng cường kiểm tra, đấu tranh nên tình hình vi phạm về bảo vệ môi trường có giảm. Nhưng việc xử phạt chỉ có tác dụng giải quyết phần ngọn, trong khi những trường hợp cố tình vi phạm thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn và xuất hiện ở hầu khắp các ngành nghề sản xuất kinh doanh.

Theo ông Vinh, quan trọng nhất là các cơ quan chức năng địa phương phải có giải pháp ngăn chặn các nguồn ô nhiễm, thông qua việc hạn chế cấp phép cho các ngành nghề sản xuất gây ô nhiễm và thực hiện tốt việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường của từng dự án.

Thận trọng với dự án thủy điện

Một vấn đề thu hút sự quan tâm tại phiên họp là có nên xây dựng thêm các dự án thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai sau sự kiện lùm xùm quanh hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A. Ông Lê Hoàng Quân - chủ tịch UBND TP.HCM, chủ tịch Ủy ban sông Đồng Nai - cho biết Ủy ban sông Đồng Nai đã kiến nghị Chính phủ không phát triển thêm các dự án thủy điện dọc hệ thống sông Đồng Nai.

Theo ông Quân, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành liên quan cân nhắc đánh giá những tác động của thủy điện đối với toàn bộ lưu vực trước khi quyết định. “Phát triển thủy điện cần dựa trên cơ sở đảm bảo sự phát triển bền vững. Do đó phải xem xét thận trọng chứ không vội vàng đánh đổi sự an toàn lâu dài vì những nhu cầu trước mắt” - ông Quân nói.

Điểm hạn chế trong cơ chế điều hành, hoạt động của Ủy ban sông Đồng Nai cũng được nhiều đại biểu nhắc đến tại phiên họp, đó là: chủ tịch, phó chủ tịch, các ủy viên đều kiêm nhiệm, bận bịu công việc của cơ quan, địa phương nên hiệu quả hoạt động, công tác điều phối của ủy ban còn thấp.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, cần thống nhất cơ chế phối hợp các tỉnh trong lưu vực, khắc phục ngay tình trạng cục bộ, vì lợi ích của địa phương mà gây ảnh hưởng chung đến lưu vực. Thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Nguyễn Văn Lạng đề nghị chủ tịch ủy ban nên là một lãnh đạo của Bộ Tài nguyên - môi trường để có điều kiện tập trung nguồn lực và điều phối hoạt động của toàn lưu vực. Theo ông Lạng, cơ chế chủ tịch UBND các địa phương luân phiên làm chủ tịch và tổ chức họp kiểu “xuân thu nhị kỳ” khó phát huy hiệu lực hoạt động của ủy ban.

ANH THOA - NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên