Phóng to |
Nhân viên văn phòng sử dụng đèn LED thay thế cho các bóng đèn chính ở một văn phòng tại Tokyo - Ảnh: Bloomberg |
Sau một thập kỷ không có thói quen tắt các bóng điện không cần thiết ở căn hộ tại Tokyo, ông Massayoshi Sakurai và các con đã phải kỹ lưỡng hơn trong công việc tưởng nhỏ bé này.
“Vợ tôi thường nhắc nhở chúng tôi tắt các bóng đèn, cô ấy lo lắng về giá điện leo thang. Giờ tất cả đều phải tiết kiệm điện, giảm máy điều hòa, tắt máy tính…”, ông cho biết.
“Sự ủng hộ của công chúng cho chương trình chủ yếu vì lo ngại những trận mất điện giống trận đã gây ra tai nạn hạt nhân Fukushima” - bà Kazuko Sato, thuộc Chương trình năng lượng nhẹ, một tổ chức phi chính phủ, đang vận động sử dụng cho năng lượng tái tạo.
Bà Sato cho biết tiết kiệm năng lượng đã trở thành một xu hướng ở Nhật, tạo ra cơ hội thúc đẩy nguồn năng lượng sạch thay thế chính sách sử dụng năng lượng hạt nhân của chính phủ. Thách thức của các nhà hoạt động xanh là hướng chuyển biến từ tiết kiệm năng lượng đến cấm năng lượng hạt nhân. Bà bày tỏ lo ngại sự ủng hộ của dân chúng trong chiến dịch tiết kiệm điện chỉ là tạm thời.
Các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời và sức gió chỉ cung cấp ít hơn 2% tổng số năng lượng sử dụng của quốc gia này.
Tokyo, vốn nổi tiếng với các ánh đèn neon màu, đã biến thành một thành phố với các tòa nhà tối và tàu điện chậm. Các tấm panô ở các trục đường chính loan báo tỉ lệ sử dụng năng lượng ở thành phố và cho biết liệu nguồn năng lượng tiết kiệm được này có giúp hạn chế mất điện hay không.
Trận động đất và sóng thần kinh hoàng ngày 11-3 đã phá hủy nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của Nhật tại Fukusima, khiến chính phủ phải rà soạt lại toàn bộ chính sách quốc gia về năng lượng hạt nhân, vốn đang cung cấp 30% nhu cầu điện của Nhật. Nhật Bản hiện đang có 54 lò phản ứng hạt nhân, nhưng chỉ có 15 trong số đó đang hoạt động, số khác đang được kiểm tra gắt gao sau thảm họa.
Chính vì vậy, nguồn điện cung cấp bởi 10 nhà máy chính đã giảm 9%, tương đương 83 tỉ kWh so với năm 2010. Một tác giả nổi tiếng người Nhật, Kazutoshi Hanto, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Nhật Bản đã so sánh những nỗ lực tiết kiệm năng lượng hiện tại với Nhật Bản sau năm 1945 khi người Nhật xây dựng lại quốc gia của họ sau chiến tranh.
“Sự đồng tâm của toàn dân dưới hình thức “setsuden” phản ánh sự chăm chỉ của người Nhật sau chiến tranh, khi họ toàn lực xây dựng lại đất nước. Những ý tưởng mới và những nỗ lực hiện tại sẽ giúp Nhật Bản khôi phục sau thảm họa hạt nhân tồi tệ này”, ông Hanto nói.
Thủ tướng Nhật Naoto Kan đang thúc đẩy mục tiêu tạo ra 20% tổng năng từ các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời và gió. Nhật cũng sẽ thông qua luật cho phép các công ty mua điện từ các nguồn này với giá chính phủ đề ra.
Tuy nhiên, theo các nhà hoạt động môi trường, đây chỉ là những kế hoạch dài hạn. Trước mắt cần khuyến khích các công ty sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Tháng trước, các công ty lớn như Toshiba hay Mitsubishi đã thông báo hợp tác phát triển thế hệ nhà ở tiết kiệm năng lượng mới, sử dụng các tấm pin mặt trời và các thiết bị điện kết nối với hệ thống máy tính để tiết kiệm năng lượng.
Những quan ngại về mối đe dọa phơi nhiễm phóng xạ trên diện rộng từ Fukushima có thể dẫn đến sự phản đối hạt nhân tăng cao trong dân chúng. Công ty Tokyo Electric Power, chủ quản Nhà máy Fukushima, đang phải vật lộn với số tiền bồi thường khủng khiếp.
“Thời điểm khó khăn mà chúng ta đối mặt hiện nay là cơ hội không thể đánh mất. Nhật Bản sau thảm họa cần phải thay đổi và chúng ta chỉ có thể làm được việc này bằng các kế hoạch dài hạn để phát triển một Nhật Bản an toàn hơn”, bà Sato chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận