Phóng to |
Nhóm chúng mình có bảy bạn nhỏ học các trường tiểu học trong thành phố và tám thầy cô, đều là thành viên của lớp Bajiko. Tụi mình là những người bảo vệ môi trường, tụi mình đã nói rất nhiều về nước, không khí, xăng, củi, điện, vậy tụi mình nói chuyện làm thế nào để tiết kiệm điện bằng những cuộc khảo sát quanh thành phố.
1. Bài toán máy bơm nước
Đầu tiên chúng mình tới Trường THPT Ngôi Sao (Q.Bình Tân, TP.HCM). Ngôi trường có bốn tầng. Bồn nước nằm ở tầng 4. Mỗi tầng có ba lớp học, một lớp theo cô hiệu trưởng là 40 bạn. Mỗi lần rửa tay một bạn tốn 1 lít nước (tụi mình hứng nước rửa tay của các bạn để tính đấy). Như vậy, một ngày máy bơm hoạt động nhiều lần. Trong khi đó, ta có thể để bồn nước ở tầng 2 trở lên, tầng 1 thì đường ống trực tiếp, như vậy đỡ tốn một lượng điện đáng kể. So sánh chúng mình thấy máy bơm nước ở nhà cũng vậy, cứ một lúc lại kêu, nó tự động mà. Lớp Bajiko chúng mình còn có chuyện thế này: hôm đó chúng mình đi vào siêu thị, từ nhà vệ sinh đi ra bạn Thuần nói với Tân: Này, có người rình hay sao ấy, mình vừa đi một cái là có người giội cho mình. Tân không trả lời mà nói: “Lại một đèn chờ”.
2. Đèn chờ và đồng hồ điện
Cứ một đèn chờ là thêm một lần lãng phí điện. Chúng mình quan sát và vẽ số lượng đèn chờ ở nhà mình thì thấy mỗi nhà thậm chí có tới sáu ngọn đèn chờ. Đèn chờ tivi, đèn chờ đầu đĩa, đèn trên ổ cắm điện, đèn quạt..., ôi nhiều lắm. Thành phố mình biết bao nhiêu đèn chờ, đèn chờ là tiện lắm nhưng sao phải nghiên cứu nhỉ. Thầy nói 12 đèn chờ màu đỏ nhỏ li ti đó bằng một ngọn đèn vàng thắp sáng. Chúng mình còn phát hiện nhiều vật dụng thời gian dài không dùng vẫn không rút dây điện. Bạn cứ thử quan sát xem sẽ thấy: tivi này, cassette này, đầu karaoke với dây điện đầy bụi bám đang cắm vào ổ điện. Thầy nói tất cả các loại dây cắm vào ổ khi không dùng này tốn tới 6% điện năng tiêu thụ của gia đình.
Rồi nhóm chúng mình đi đến các cửa hàng đồ điện. Thầy nói: khi nắm những chỉ số Watt ghi trên các thiết bị thì mới biết tiết kiệm điện. Chúng mình đã hiểu đồng hồ điện vẫn quay mặc dù đã tắt hết đồ điện. Nghĩa là khi chúng ta ngủ, điện vẫn bị tiêu hao. Đó là điều khiến chúng mình ngạc nhiên hết sức mà lại vỡ lẽ ra nhiều điều.
Nhiệt độ máy lạnh 27-28OC thì đã mát nhưng nhà chúng mình vẫn cứ cài 22-23OC; một vài ngôi trường chúng mình khảo sát, phòng cô hiệu trưởng cài tới... 16OC nữa đấy. Phí phạm quá!
Cuộc đối thoại ở lớp như thế này: “Nhà tớ màn hình phẳng”, “Nhà tớ cong và phẳng đều có”...
Cả nhà có thể dồn về một phòng để xem, vậy việc gì phải có tới ba tivi nhỉ? Tivi chưa hư vẫn mua cái mới. Mà điều này lớn lắm nhé: vì nhu cầu không giới hạn đó mà điện cứ liên tục tăng lên, nhà này nhà kia, thế thì làm sao thành phố và nước của mình không thiếu điện.
Phóng to |
Tìm hiểu các chỉ số về điện in trên các sản phẩm. Phải hiểu đúng thì sử dụng mới đúng - Ảnh: nhóm Bajiko cung cấp. |
3. Rau và điện
Ở Bajiko, chúng mình học những điều khác biệt. Chuyện rau thì liên quan gì đến điện? Vậy mà có đấy. Ở siêu thị, rau được giữ trong tủ lạnh từ ngày này qua ngày khác để rau luôn tươi. Vậy mỗi ngày rau đã dùng điện rồi. Tương tự như thế, thịt bò, thịt gà, thịt heo ở siêu thị cũng tiêu thụ điện. Những điều tưởng chừng tự nhiên ấy, Bajiko chúng mình nói hàng giờ. Cái này ngon, nhưng bạn biết không nó nằm ở Mỹ, Nga, Úc... vào kho, lên xe, lên tàu thủy...
Ở Bajiko, chúng mình nướng thịt heo của nông dân nuôi để ăn, thịt do anh Luých ở Huế gửi vào. Những chú heo chúng mình đã theo dõi chúng từ khi còn bé. Chúng được nuôi bằng cám, bằng thức ăn trong gia đình, bằng rau lá trong vườn chứ không phải bằng thức ăn tăng trọng. Vì vậy mà thịt heo ngon hơn, thơm hơn và là thịt heo không qua đông lạnh. Bajiko chúng mình đang làm cùng với BAJ (Tổ chức cầu châu Á - Nhật Bản), để rau của người nông dân nhỏ được đi đến với mọi người, nó không chỉ là niềm vui hương vị, nó là việc bảo vệ môi trường.
Bajiko chúng mình trồng rau, quan sát cây và hiểu cây xanh giúp giảm nhiệt độ, tiết kiệm điện. Vườn rau luôn là nơi thật thú vị. Mỗi ngày chúng mình đến thăm vườn và biết rằng rau lớn lên cần bàn tay chăm bón thật cần mẫn. Phải làm cỏ, phải bắt sâu thì cây mới lên xanh tốt. Chúng mình còn biết sự thông thái của nông dân khi kết hợp các loại rau trồng xen kẽ trong vườn. Chúng mình còn biết vườn rau là niềm vui, là cuộc sống của người nông dân vì nó là bữa ăn hằng ngày. Người nông dân biết cái ngon của rau mới hái, biết mỗi vị ngọt của cây trái trong vườn và biết cách nấu làm sao cho nó quyện vào nhau để ăn vào sẽ không quên được. Bạn hãy thử một lần rồi sẽ thèm ăn cái vị rau tươi ấy.
Trò chuyện với các bác nông dân, chúng mình học được rất nhiều thứ - những thứ mà chẳng bao giờ chúng mình học được ở trong trường. Thầy Tuệ nói nếu biết tất cả những điều đó thì chúng mình sẽ không phí phạm điện. Chúng mình hiểu không phải dùng điện nhiều là tốt, là hiện đại, không phải dùng nhiều mới sướng.
Những điều chúng mình nói ở đây không phải là nói mà thật sự là niềm đam mê để mọi người cùng trải nghiệm. Vì bài học tiết kiệm điện không ở đâu khác hơn là điều được hình thành từ chính những chuyện hằng ngày như thế này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận