22/04/2011 06:13 GMT+7

ĐBSCL chỉ còn 1/4 lượng phù sa

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TT - Đó là thông tin từ Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Thái Lai và là một kịch bản rất xấu cho tương lai đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vựa lúa của Việt Nam...

ZGJBgcN1.jpgPhóng to
Người dân trữ nước ngọt do nguồn nước bị nhiễm mặn ở huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang - Ảnh: Mễ Thuận

Sáng 21-4, trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Jim Webb đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Thái Lai xung quanh các vấn đề về xây dựng đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong và tác động tới khu vực ĐBSCL.

"Tổng lượng phù sa hằng năm của khu vực ĐBSCL là 26 triệu tấn, sẽ chỉ còn khoảng 7 triệu tấn nếu các con đập trên sông Mekong hoàn thành"

Tác hại của biến đổi khí hậu đến nhanh hơn

Tại buổi làm việc, ông Lai cho biết hằng năm khu vực ĐBSCL được bồi đắp bởi phù sa, nơi đây là vựa lúa của Việt Nam, là nơi sinh sống của hơn 20 triệu dân. Trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, ĐBSCL đang bị xem là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Kịch bản biến đổi khí hậu đã chỉ ra rằng đến năm 2100 nếu mực nước biển dâng từ 1m đến trên 1m, có tới 2/3 diện tích của ĐBSCL sẽ bị ngập và nguồn nước ngọt phục vụ đời sống, nông nghiệp bị suy giảm nghiêm trọng.

Tuy nhiên, với tình hình phát triển thủy điện trên sông Mekong, những tác hại của biến đổi sẽ đến nhanh hơn kịch bản mà các nhà khoa học thế giới đã dự báo. Chỉ riêng ở phần trung lưu sông, các nước đang có kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng chính. Ông Lai dẫn báo cáo đánh giá môi trường chiến lược do các chuyên gia quốc tế về sông Mekong tiến hành đã khẳng định: “Các tác động của việc xây dựng các đập thủy điện là vô cùng to lớn và mạnh mẽ đối với dòng sông Mekong”.

Theo đó, việc phát triển thủy điện ở thượng lưu sông Mekong của Trung Quốc đã giữ lại 50% lượng phù sa, còn ở trung lưu trên dòng chính giữ lại 25%. Với những đánh giá như vậy, ông Lai cho biết tính toán của các nhà khoa học đã chỉ ra rằng tổng lượng phù sa hằng năm của khu vực ĐBSCL từ 26 triệu tấn sẽ chỉ còn khoảng 7 triệu tấn. Lượng dinh dưỡng sẽ suy giảm từ 4.000 tấn/năm còn hơn 1.000 tấn/năm và nguồn cá mỗi năm suy giảm khoảng 450.000 tấn.

“Ảnh hưởng từ việc xây dựng thủy điện ở dòng chính sông Mekong hết sức mạnh mẽ tới quá trình phát triển ĐBSCL. Nếu không có phù sa, ĐBSCL sẽ chìm và với điều kiện biến đổi khí hậu như kịch bản dự báo, tốc độ chìm sẽ càng nhanh hơn. Với trách nhiệm trước hơn 20 triệu dân đang sinh sống ở vùng ĐBSCL, chúng tôi hết sức lo lắng với việc phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mekong” - ông Lai nói.

Thượng nghị sĩ Jim Webb:

“Tôi rất quan ngại...”

Theo thượng nghị sĩ Jim Webb, vấn đề xây dựng đập thủy điện trên sông Mekong đã được ông quan tâm từ nhiều năm qua. “Tôi rất quan ngại về khả năng có những tác động mà không thể đảo ngược được do việc xây đập trên dòng sông này. Sau chuyến thăm Ủy hội sông Mekong năm 2009, tôi càng quan ngại hơn nữa, do vậy việc tất cả các quốc gia liên quan ngồi lại để cùng thảo luận về những tác động do việc xây đập gây ra là rất cần thiết” - thượng nghị sĩ Jim Webb nói.

Ngoài ra, thượng nghị sĩ Jim Webb cũng thông tin: “Văn phòng chúng tôi đã trình ra một dự luật quy định trước khi Ngân hàng Thế giới hoặc Ngân hàng Phát triển châu Á quyết định cấp kinh phí tài trợ việc xây dựng đập trên dòng sông Mekong phải đảm bảo việc xây dựng đó đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về mặt môi trường”.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: sông Mekong