Phóng to |
Biểu tình phản đối việc xây đập Xayaburi ở Bangkok, Thái Lan với khẩu hiệu: Bảo vệ sông Mekong là bảo vệ 60 triệu sinh mạng - Ảnh: Bangkok Post |
"Chính phủ Thái Lan đang bị giằng co giữa hai phía. Một phía là những nhà hoạt động môi trường, các tổ chức phi chính phủ phản đối rất mạnh, thậm chí đã có biểu tình. Phía khác là các công ty hưởng lợi từ dự án cũng vận động hành lang dữ dội" |
Chiều 18-4, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật VN (VUSTA) đã tổ chức cuộc tọa đàm về đập Xayaburi và nguồn nước sông Mekong. PGS.TS Hồ Uy Liêm, phó chủ tịch VUSTA, khẳng định có thể một con đập Xayaburi không gây quá nhiều ảnh hưởng cho hạ lưu, nhưng việc cho phép xây dựng nó sẽ là một tiền lệ nguy hiểm, khiến 11 con đập còn lại sẽ lần lượt ra đời mà kết quả là đồng bằng sông Cửu Long sẽ hứng chịu những thiệt hại ghê gớm.
Tham dự cuộc tọa đàm trực tuyến từ Thái Lan, bà Ame Trandem - đại diện Tổ chức Sông ngòi thế giới - đưa ra con số nghiên cứu cho biết nếu xây dựng cả 12 con đập chỉ đáp ứng 4,4% nhu cầu điện của Thái Lan và VN (nhập khẩu điện từ các dự án trên).
Bà khẳng định: “Việc xây đập Xayaburi hiện nay không phải là nhu cầu cấp thiết. Chúng tôi thúc giục các chính phủ trong lưu vực sông Mekong nói không với dự án. Kế hoạch xây đập Xayaburi không phản ánh lợi ích khoa học và lợi ích của cộng đồng”.
Phóng to |
Việc xây đập sẽ tác hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái, dẫn đến nhiều loài cá hiếm bị tuyệt chủng - Ảnh: Bangkok Post |
"Các quốc gia ven sông cần hợp tác chặt chẽ trong việc khai thác, sử dụng công bằng và hợp lý các nguồn tài nguyên, đặc biệt là nguồn nước dòng sông Mekong nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần vào sự phát triển bền vững chung của toàn bộ lưu vực sông Mekong, mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia ven sông và người dân sinh sống tại khu vực này" Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nêu rõ VN mong muốn các quốc gia có liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc nghiên cứu kỹ lưỡng tổng thể những tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong trước khi đưa ra quyết định triển khai xây dựng các công trình này. |
Theo tổng hợp của Mạng lưới sông ngòi VN, đến thời điểm này đã có 263 tổ chức phi chính phủ từ 51 quốc gia gửi kiến nghị thư tới thủ tướng Lào và thủ tướng Thái Lan phản đối việc xây đập Xayaburi. Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á đã ra thông báo chính thức sẽ không cung cấp tài chính cho các dự án xây đập trên hạ lưu sông Mekong.
TS Đào Trọng Tứ - nguyên phó tổng thư ký Ủy hội sông Mekong - cho biết: “Việc xây đập Xayaburi và 11 bậc thang khác trên dòng chính sẽ không mang lại bất cứ lợi ích nào cho đồng bằng sông Cửu Long mà còn đe dọa trực tiếp tới đời sống của gần 20 triệu dân hiện nay và các thế hệ tương lai, đe dọa an ninh lương thực quốc gia và khu vực.
“Tất cả 12 bậc thang thủy điện dự kiến là các thủy điện không điều tiết, chỉ phục vụ duy nhất mục đích phát điện, không có tác dụng điều hòa nguồn nước, không có tác dụng giảm lũ mùa mưa và tăng dòng chảy mùa khô. Tuy không có khả năng điều tiết mùa, nhưng các hồ thủy điện đều có đập cao từ 22-76m, dung tích từ 220 triệu đến trên 2 tỉ m3. Các đập này sẽ có tác dụng điều tiết ngày, có nghĩa trong mùa khô các nhà máy có khả năng giữ lưu lượng nước đến trong ngày, gây nên sự thay đổi dòng chảy, đặc biệt gây giảm dòng chảy mùa khô đến hạ lưu. 12 đập thủy điện cũng biến hơn 50% chiều dài sông Mekong ở hạ lưu thành các vùng hồ nước, dòng chảy chậm, lượng phù sa lớn sẽ lắng đọng các vùng hồ. Việc giảm phù sa hạ lưu sẽ gây nên hàng loạt tác động đến châu thổ Mekong ở Campuchia và VN”.
Theo TS Tứ, vấn đề hiện nay là “chính phủ các nước cân nhắc thế nào về bài toán đánh đổi giữa nhu cầu năng lượng với những thiệt hại khổng lồ đó. Tôi nghĩ các con số nghiên cứu đã nói rõ”.
Dư luận thất vọng Người dân các nước lưu vực sông Mekong rất thất vọng khi biết tin đập thủy điện đầy tranh cãi Xayaburi đã được khởi công ở Lào, theo thông tin từ báo Bangkok Post (Tuổi Trẻ ngày 18-4 đã đưa tin). “Nếu Chính phủ Lào không tôn trọng quy trình hành động mà Chính Lào cam kết với Ủy hội sông Mekong (MRC), tương lai của sông Mekong và người dân sẽ rất ảm đạm” - bà Ame Trandem, phụ trách truyền thông của Tổ chức Sông ngòi thế giới, bình luận. Theo tường thuật của Bangkok Post, người phải di dời ra khỏi khu vực xây đập ở Lào chỉ nhận được khoản bồi thường rất nhỏ. “Rất nhiều tác động về môi trường và xã hội mà tiền bồi thường không thể bù đắp nổi sẽ xảy ra cho người dân địa phương và hàng trăm ngàn cộng đồng khác sống ở thượng lưu và hạ lưu sông Mekong, nơi con đập được xây dựng” - chị Pianporn Deetes, người Thái Lan, phân tích. Chị là người tham gia chung chiến dịch truyền thông với Tổ chức Sông ngòi thế giới. Hơn 100 người dân ở tám tỉnh trong nước Thái Lan có mặt ở Bangkok ngày 18-4 để gửi thỉnh nguyện thư, có chữ ký của 10.000 người dân Thái đến Lãnh sự quán Lào và Văn phòng thủ tướng Thái Lan bày tỏ sự lo ngại đối với những tác động xuyên biên giới liên quan đến đập thủy điện Xayaburi và kêu gọi chính phủ hai nước Thái, Lào bỏ kế hoạch xây đập. “Chúng tôi yêu cầu ngài thủ tướng từ chối mua điện từ nhà máy này và phản đối việc xây dựng” - một người dân ở tỉnh Nongkhai nói.
Một thỉnh nguyện thư khác của hơn 2.300 người dân trên thế giới kêu gọi hủy bỏ kế hoạch xây đập Xayaburi được gửi cho MRC ngày 18-4. Trước đó, thỉnh nguyện thư có 23.110 người ký tên đã được gửi đến thủ tướng các nước trong tiểu vùng sông Mekong và thỉnh nguyện thư của 263 tổ chức phi chính phủ gửi đến thủ tướng Thái Lan và Lào cùng với nội dung kêu gọi ngừng xây đập thủy điện Xayaburi để tránh tác động tiêu cực đến môi trường và sinh thái. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận