23/03/2011 11:35 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng: từ chuyện mặc gì, ở đâu

Thạc sĩ VÕ NHẬT VINH (ĐH Mở TP.HCM)
Thạc sĩ VÕ NHẬT VINH (ĐH Mở TP.HCM)

TTO - Trong bối cảnh nguồn năng lượng chúng ta đang sử dụng chưa phải là sạch cũng như các thiết bị sử dụng năng lượng đang góp phần làm biến đổi khí hậu mạnh mẽ, việc đề ra các biện pháp để cắt giảm hoặc sử dụng hiệu quả năng lượng là rất cần thiết. Tuy nhiên, để thực thi các biện pháp một cách hiệu quả ở Việt Nam, trước hết con người phải thay đổi thái độ và sau đó thay đổi hành vi.

TTO mở diễn đàn "Bảo vệ môi trường từ hành động thiết thực"Mời trao đổi trực tuyến “Sống thân thiện với môi trường”

n5eRGYZI.jpgPhóng to
Các tình nguyện viên chiến dịch Giờ Trái đất 2011 tại TP.HCM đạp xe qua các tuyến đường trung tâm TP.HCM để kêu gọi cộng đồng tắt điện vì môi trường - Ảnh: Trung Uyên

Cuộc sống thay đổi và mức sống cao hơn khiến con người thay đổi từ trong suy nghĩ, thái độ ứng xử. Nếu trước đây con người cảm thấy thoải mái với mức nhiệt độ phòng khoảng 280C thì nay hầu như họ sẽ cảm thấy khó chịu ở nhiệt độ cao hơn 250C. Nếu trước kia con người sẵn sàng đi bộ cho những quãng đường ngắn thì bây giờ họ cảm thấy quá mệt mỏi. Nói cách khác, thái độ tự thỏa mãn mình sẽ góp phần ảnh hưởng đến cộng đồng thông qua việc làm cạn kiệt nguồn năng lượng. Vì vậy, để thay đổi thực trạng sử dụng năng lượng, con người phải thay đổi thái độ đòi hỏi và tự thỏa mãn quá nhiều.

Về mặt hành vi, các hành động thường là một chuỗi mối quan hệ ràng buộc với nhau nên cần xem xét nguồn gốc của vấn đề. Chúng ta mong muốn tiết kiệm năng lượng khi sử dụng máy điều hòa hay quạt điện, cũng như các thiết bị điện - điện tử khác, nhưng chúng ta chưa quan tâm đến việc tạo ra môi trường thuận lợi hơn ngay từ đầu bằng khâu xây dựng.

Các nhà, tòa nhà (văn phòng, dân cư) hiện nay thường ít chú trọng sự lưu thông của luồng ánh sáng và luồng không khí tự nhiên. Với sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố tự nhiên nắng - gió - nước, người ta có thể tạo nên một không gian phù hợp cả về ánh sáng và nhiệt độ. Các công trình của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa đã cho thấy tính hiệu quả trong sử dụng năng lượng khi kết hợp tuyệt vời các yếu tố đó. Ánh sáng tự nhiên sẽ giúp tránh việc sử dụng ánh sáng đèn - một tác nhân tiêu hao năng lượng và tỏa nhiệt. Các luồng gió tự nhiên sẽ khắc phục được việc sử dụng máy điều hòa hay quạt điện quá nhiều. Ngoài ra, các luồng gió tự nhiên cũng là nguồn giải nhiệt tốt nhất cho các thiết bị điện - điện tử khác, giúp chúng hoạt động hiệu quả hơn, ít tỏa nhiệt hơn và ít tốn năng lượng hơn.

Bên cạnh đó, hành vi ăn mặc cũng góp phần vào việc tiết kiệm năng lượng. Sự chọn lựa trang phục phù hợp cả về hình thức lẫn chất liệu sẽ giúp tránh những cảm giác nóng nực không đáng có. Thiết nghĩ, Việt Nam chưa thể có đủ điều kiện như ở Nhật khi người ta sử dụng các trang phục đặc biệt để chống nóng/lạnh, nhưng chúng ta vẫn có thể điều chỉnh hành vi một cách đơn giản hơn. Những trang phục quá trịnh trọng kèm chiếc càvạt có thể là không cần thiết trong nhiều trường hợp nhưng lại yêu cầu người mặc phải ở trong môi trường mát mẻ (có máy điều hòa hay quạt điện). Thay đổi thói quen ăn mặc một ít cũng là hành động thiết thực để tiết kiệm năng lượng.

Tóm lại, để tiết kiệm năng lượng, chúng ta nên thay đổi thái độ với chính bản thân mình và điều chỉnh hành vi từ việc quan tâm đến xây dựng, sắp xếp cho đến thói quen ăn mặc.

TTO mở diễn đàn "Bảo vệ môi trường từ hành động thiết thực"

Hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất với thông điệp "Tắt đèn 60 phút - hành động 365 ngày vì biến đổi khí hậu", TTO cũng sẽ mở diễn đàn "Bảo vệ môi trường - từ hành động thiết thực".

Bạn có thể gửi đến diễn đàn những trăn trở, nỗi lo âu của mình trước những biến đổi của môi trường sống, bạn sẽ có những sáng kiến, kinh nghiệm thiết thực gì để hoạt động bảo vệ môi trường đi vào thực chất, góp phần xây dựng một thế giới văn minh, trong lành, hao tốn ít năng lượng và nhiều hi vọng?

Email xin gửi về tto@tuoitre.com.vn, tiêu đề ghi Diễn đàn Bảo vệ môi trường. Bài viết xin gõ unicode, tiếng Việt có dấu, nếu có hình ảnh minh họa càng tốt (vui lòng cho biết rõ tác giả ảnh).

Thạc sĩ VÕ NHẬT VINH (ĐH Mở TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên