17/02/2010 21:00 GMT+7

Đòi lại công lý cho các dòng sông

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TTXuân - Trụ sở của Chuông lạc đà xanh, tổ chức môi trường đầu tiên tại tỉnh Cam Túc (Trung Quốc), chỉ là một căn hộ chung cư nhỏ xíu nằm ở khu vực nghèo nàn phía tây thành phố Lan Châu. Chiếm gần trọn diện tích một bức tường trong căn hộ là tấm bản đồ thành phố khổng lồ, với những đường vẽ chỉ hướng đi của Hoàng Hà và địa điểm các nhà máy dọc con sông.

ncafk8U6.jpgPhóng to
Triệu Trung bên dòng Hoàng Hà - Ảnh do Triệu Trung cung cấp

Một nhóm người trẻ, hầu hết mới ngoài 20 tuổi, miệt mài với công việc của họ: cắt dán, sao chép các bài báo, các bản nghiên cứu khoa học, các báo cáo của chính quyền địa phương... về tình trạng ô nhiễm của con sông. Ngoài ra, Chuông lạc đà xanh còn tổ chức nhiều chuyến khảo sát thực địa để kiểm tra chất lượng nguồn nước và đất nông nghiệp trong vùng.

Toàn bộ thông tin được gửi đến một nhóm đối tác ở Bắc Kinh, và tại đó họ sẽ đưa chúng lên trang web Bản đồ ô nhiễm nước Trung Quốc (www.ipe.org.cn/english) - một diễn đàn mở cho phép người sử dụng Internet tìm hiểu thông tin về chất lượng nước trong vùng họ sống. Trang web này cũng công bố danh sách các nhà máy xả nước thải bừa bãi xuống sông. Rất nhiều trong số đó là các tập đoàn khổng lồ nước ngoài và cả những doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn.

Nhiệm vụ của chúng tôi

Bằng cách đó, từ năm 2004 đến nay, Triệu Trung - người sáng lập Chuông lạc đà xanh - và các tình nguyện viên đã chỉ mặt điểm danh các nhà máy đang giết chết từ từ Hoàng Hà. “Con sông này là nguồn sống của hàng triệu người, nhiệm vụ của chúng tôi là đòi lại công lý cho nó” - Triệu Trung bày tỏ sự quyết tâm.

Triệu Trung, 27 tuổi, tốt nghiệp đại học năm 2003 và đến Cam Túc năm 2004 để làm việc tại văn phòng Lan Châu của Viện Vật lý hiện đại thuộc Viện Khoa học Trung Quốc. Đến Cam Túc, chứng kiến cảnh nước sông Hoàng Hà biến thành màu đỏ, bốc mùi khó chịu do ô nhiễm, anh cùng một số người bạn đồng trang lứa thành lập Chuông lạc đà xanh với mục tiêu gìn giữ vẻ đẹp tự nhiên của Cam Túc.

Anh nghỉ việc ở Viện Vật lý và trở thành một nhà hoạt động bảo vệ môi trường chuyên nghiệp. Ngoài việc chỉ mặt điểm tên các nhà máy gây ô nhiễm trên Bản đồ ô nhiễm nước, Chuông lạc đà xanh còn hợp tác với Lựa chọn xanh (Green Choice) để gây sức ép lên các công ty phá hoại môi trường. Lựa chọn xanh kêu gọi các nhà bán lẻ và người tiêu dùng Trung Quốc không mua sản phẩm do các nhà máy gây ô nhiễm sản xuất.

Các chiến dịch này tỏ ra hiệu quả trong vài năm qua. Năm 2007, Tập đoàn bia Carlsberg đã phải lên tiếng xin lỗi về nhà máy bia gây ô nhiễm ở Lan Châu và trang bị cho cơ sở này một hệ thống xử lý nước thải hiện đại. Còn các công ty nhà nước thì có một “trải nghiệm” mới: bị giám sát.

“Các công ty gây ô nhiễm phải chịu nhiều áp lực khi bị đưa vào bản đồ ô nhiễm nước - Triệu Trung khẳng định - Họ bị buộc phải có những biện pháp tức thời và công khai để giải quyết vấn đề”. Năm 2006, chính quyền Cam Túc tuyên bố đầu tư 620 triệu USD từ năm 2006-2010 để xử lý tình trạng ô nhiễm Hoàng Hà. Nỗ lực của Chuông lạc đà xanh cũng nhận được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Mới đây, một viện nghiên cứu ở Úc đã cung cấp số lượng lớn bình lọc nước cho các trường học và gia đình tại những vùng ô nhiễm nặng ở Cam Túc.

Không thể ngừng nghỉ

Triệu Trung thừa nhận công việc của một nhà hoạt động vì môi trường không hề dễ dàng bởi anh luôn ở thế đối đầu với các nhà máy, thậm chí cả chính quyền địa phương. Ví dụ trong vụ hỏa hoạn tại Nhà máy hóa chất Lan Châu tháng 5-2006 khiến hóa chất độc hại tràn ra sông, Triệu Trung quyết định thu thập thông tin về vụ việc để đăng tải trên trang web của Chuông lạc đà xanh và các trường đại học.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã ngăn chặn kế hoạch này. Ở Chuông lạc đà xanh chỉ vài nhân viên được trả lương, còn phần lớn đều là tình nguyện viên. Công việc đầy áp lực nhưng thu nhập thấp nên có rất nhiều người đến rồi đi. Mới đây, một nhân viên chủ chốt đã nghỉ việc vì không chịu nổi sự bất ổn của công việc và mức thu nhập chưa đầy 150 USD/tháng.

“Có đợt cùng lúc 10-15 người nghỉ - Triệu Trung cười khổ - Một bạn thì chỉ làm được trong vài ngày, còn phần lớn chịu đựng từ 3-5 tháng”. Có lúc Triệu Trung gần như chỉ có một mình. Phần lớn ngân quỹ của Chuông lạc đà xanh đến từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài nhưng đây là nguồn không ổn định.

Tuy nhiên Triệu Trung vẫn miệt mài với công việc của mình. Không chỉ bảo vệ nguồn nước, Chuông lạc đà xanh còn mở rộng hoạt động hỗ trợ cuộc sống của các cộng đồng nông thôn và phát triển một mạng lưới các tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường ở Cam Túc.

Trước khi được tạp chí Time bầu chọn là Anh hùng môi trường 2009, Triệu Trung đã hợp tác với Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Ford Foundation. “Dù có lúc mệt mỏi nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ cuộc - anh tâm sự - Những kẻ phá hoại môi trường không ngừng nghỉ thì chúng tôi cũng không thể ngừng nghỉ”.

Việt Nam cũng cần một bản đồ ô nhiễm

Triệu Trung đã gợi ý như vậy khi trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ qua email.

* Anh biết không, tại Việt Nam cũng có rất nhiều con sông bị ô nhiễm do nước thải từ các nhà máy...

- Triệu Trung: Cũng như Trung Quốc, Việt Nam là một nước đang phát triển, phát triển kinh tế được đặt trên môi trường. Do vậy chúng ta có thể chia sẻ nhiều kinh nghiệm để bảo vệ môi trường, xây dựng một thế giới xanh sạch hơn cho các thế hệ kế tiếp. Tôi cho rằng Việt Nam cũng cần một bản đồ ô nhiễm nguồn nước và lên danh sách các nhà máy xả nước thải ra môi trường.

Với Internet và công nghệ sẵn có, tôi tin một tấm bản đồ như vậy sẽ gây áp lực rất lớn lên các công ty gây ô nhiễm ở Việt Nam. Và khi chịu áp lực bị giám sát, họ buộc phải hành động để bảo vệ môi trường. Phong trào Lựa chọn xanh cũng là một kinh nghiệm lý thú bởi nó không chỉ tạo áp lực đối với những kẻ gây ô nhiễm, mà còn giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.

* Liệu sẽ có ngày một người Việt Nam được tạp chí Time bầu chọn là Anh hùng môi trường như anh?

- Theo tôi, bất cứ ai cũng có đủ điều kiện để bảo vệ môi trường, do đó ai cũng có thể trở thành Anh hùng môi trường. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ. Từ hồi còn bé, tôi đã rất mê môn leo núi. Mỗi khi lên núi, tôi rất khó chịu với những thứ rác rưởi vứt bừa bãi ra môi trường xung quanh. Do đó, khi leo núi về tôi thường khuân theo vài bao rác. Ý thức đó giúp tôi xây dựng Chuông lạc đà xanh.

Tôi tin rằng một khi có ý thức, các bạn trẻ Việt Nam sẽ là những chiến sĩ bảo vệ môi trường đầy quyết tâm. Điều quan trọng là cần xây dựng những tổ chức môi trường để phát huy sức mạnh tập thể. Danh hiệu Anh hùng môi trường của Time thực chất không chỉ dành cho tôi mà cho cả Chuông lạc đà xanh.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên