17/07/2010 04:40 GMT+7

Đưa chất xám vào cuộc sống

HÀ THANH thực hiện
HÀ THANH thực hiện

TT - Từ ngày 17-7 đến 20-8, lần đầu tiên Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) tổ chức chương trình Trí thức - khoa học trẻ tình nguyện năm 2010 đến với người dân thành phố và các tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Tây nguyên.

4N8ZmKZQ.jpgPhóng to
Anh Nguyễn Công Tĩnh

Nhịp sống trẻ đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Công Tĩnh, giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ. Anh nói:

- Việc triển khai chương trình trí thức tình nguyện ngắn ngày là bước phát triển mới trong năm 2010, tiếp tục khẳng định thế mạnh nhiều năm qua của phong trào tình nguyện thành phố. Sau hoạt động này, Ban thường vụ Thành đoàn mong muốn tập hợp đông đảo lực lượng trí thức, khoa học trẻ đang học tập, nghiên cứu ở trong và ngoài nước vào các hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội của thành phố, đất nước.

* Thưa anh, chương trình có điểm đặc trưng gì khác với các chiến dịch tình nguyện Hoa phượng đỏ, Mùa hè xanh, Kỳ nghỉ hồng...?

- Các trí thức trẻ, nhà khoa học trẻ tham gia tình nguyện sẽ mang chất xám hỗ trợ người dân trong mười lĩnh vực: giáo dục và tư vấn tâm lý, nông - lâm - ngư nghiệp, công nghệ thông tin, xã hội & nhân văn, pháp lý - hành chính, tài nguyên - môi trường, kỹ thuật và công nghệ, tự nhiên, y tế công cộng, kiến trúc - xây dựng. Đó là điểm đặc trưng của chương trình. Họ đến nhà máy trực tiếp hướng dẫn các tổ công nhân phương pháp giảm giá thành, đổi mới quy trình, tránh ô nhiễm môi trường, tăng năng suất. Họ sẽ trao đổi phương pháp sử dụng thực phẩm chăn nuôi, phân bón hợp lý và bảo đảm chất lượng với nông dân. Họ tư vấn cho thanh thiếu niên ở trường học, khu dân cư cách giữ vệ sinh chân - tay - miệng, phòng bệnh, tránh thai...

Bên cạnh đó, các trí thức trẻ sẽ tặng 20 sản phẩm, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học cho nông dân, công nhân các địa phương. Điều này giúp các đề tài nghiên cứu khoa học được triển khai rộng rãi và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

* Công tác chuẩn bị đến đâu rồi, thưa anh?

- Do năm nay là năm đầu tiên thí điểm tổ chức nên chúng tôi dự kiến huy động 100 thành viên tham gia khoảng 150 buổi tuyên truyền, tư vấn và hướng dẫn ứng dụng khoa học, kỹ thuật.

Sau lễ ra quân sáng 17-7, 100 trí thức khoa học trẻ sẽ chia làm bốn nhánh tiến hành: hướng dẫn quy trình cải cách hành chính cho đoàn viên thanh niên Q.11; tư vấn và chuyển giao kỹ thuật “nhuộm vải trong công nghiệp”, “thiết kế thời trang hàng dệt may” cho công nhân, kỹ sư Công ty Dệt may Gia Định; giới thiệu mô hình mới trong nuôi trồng thủy hải sản cho nông dân huyện Cần Giờ.

* Làm thế nào để tiếp tục giám sát tiến trình thẩm thấu kiến thức, ứng dụng nghiên cứu khoa học vào thực tiễn để nâng cao hiệu quả của chương trình, thưa anh?

- Không dừng lại ở một buổi tư vấn hoặc chuyển giao khoa học kỹ thuật, chúng tôi khuyến khích sự gắn kết lâu dài giữa đôi bên. Công nhân, nông dân, thanh thiếu niên các địa phương có nhu cầu vẫn có thể liên hệ trao đổi, yêu cầu các trí thức trẻ tư vấn khi gặp khó khăn trong quá trình sản xuất về sau.

Qua quá trình cọ xát, nông dân, công nhân, thanh thiếu niên sẽ tiếp thu những kiến thức mới. Đồng thời trí thức trẻ có cơ hội giới thiệu sản phẩm khoa học, ứng dụng kiến thức vào thực tiễn và đúc kết kinh nghiệm chuyên môn. Đây là hoạt động tương hỗ thiết thực góp phần phát triển thành phố và đất nước.

* Xin cảm ơn anh.

Các cá nhân, đơn vị muốn đăng ký tham gia chương trình và đề nghị hỗ trợ tư vấn hoặc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học liên hệ: Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (1 Phạm Ngọc Thạch, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM), email: khoahoctre@gmail.com.

HÀ THANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên