Tắc chợ Trung Quốc, vải miền Bắc vui vẻ Nam tiến
Điều chỉnh cán cân thương mại, xuất nhập khẩu Việt - Trung theo nguyên tắc chủ động, cân bằng lợi ích, đo lường bất trắc theo các kịch bản là vấn đề quan trọng. Đó cũng là cách “lấy trứng ra từ một rổ” để giảm rủi ro, thua thiệt cho nông sản Việt, là cơ hội để thúc đẩy nông sản nước nhà tìm các thị trường mới, phát triển bền vững.
Tín hiệu đáng mừng gần đây là ngày càng có nhiều hơn doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng chủ động tự tìm hướng đi cho mình, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhiều loại trái cây, củ quả, thủy hải sản đã tìm cách sang thị trường EU, Nhật, Mỹ, Ấn Độ và các nước ASEAN. Không chỉ với hàng xuất khẩu, nhiều nhóm hàng nhập khẩu như phân bón, vật tư nông nghiệp, hàng tiêu dùng cũng đã tìm cách “thoát Trung”. Nhiều ngành công nghiệp chủ lực cũng tìm cách xoay xở, đa dạng hóa nguồn đầu vào dù không phải dễ dàng trong cuộc chuyển đổi.
Việc “lấy trứng ra từ một giỏ” để giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc là cần thiết. Nhưng “để trứng” vào đâu, không chỉ an toàn mà còn phải sinh lợi. Khi mở rộng xuất khẩu nông sản sang các thị trường mới, nhất là Mỹ, Nhật và EU đòi hỏi phải đáp ứng các nhu cầu khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, bao bì sản phẩm, uy tín thương hiệu... Điều này đang đặt ra yêu cầu cho nông dân, doanh nghiệp và nhà xuất khẩu phải chuyển đổi lớn, căn bản và toàn diện, phải hoàn thiện chuỗi giá trị từng loại nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ. Mặt khác, phải đa dạng hóa sản phẩm, chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản Việt. Nhưng nếu chỉ để doanh nghiệp và nông dân tự loay hoay giải bài toán đầu ra cho các mặt hàng nông sản thì cuộc chuyển đổi này sẽ không căn cơ và khó thành công.
Nhu cầu cao và ngày càng tăng về nông sản sạch và cao cấp của thế giới là dư địa lớn cho nông sản Việt. Sản xuất manh mún, lạc hậu, không theo các tiêu chuẩn quốc tế sẽ rất khó tiếp cận các thị trường khó tính. Đâu đó cũng có vài chuyển động như chuyện nông dân và doanh nghiệp ở Bến Tre chế biến rượu ca cao để phục vụ trong khu du lịch, hay ở Long An có người bỏ tiền tỉ đầu tư sản xuất rượu vang từ trái thanh long để làm tăng giá trị 3-5 lần, khắc phục tình trạng dội hàng khi chính vụ. Nhưng để thực hiện được như thế cũng không dễ vì nông dân còn thiếu vốn, thiếu công nghệ chế biến sâu và phải tăng cường liên kết chặt chẽ. Thực tế đó đang đặt ra những yêu cầu quan trọng cần phải đáp ứng trong việc “lấy trứng ra từ một giỏ”, phải có cách làm đồng bộ, lộ trình, bước đi bài bản từ nông dân, doanh nghiệp đến các cơ quan nhà nước để đảm bảo cuộc chuyển đổi lớn thật sự có hiệu quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận