18/06/2014 08:02 GMT+7

Cần một dấu chấm hết cho kỳ thi riêng rẽ

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - Với mục tiêu đặt ra tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc trong thời “hậu hai không” (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích do Bộ GD-ĐT phát động năm 2006-2007), trong bảy năm qua Bộ GD-ĐT liên tiếp áp dụng những giải pháp khác nhau nhằm chấn chỉnh tiêu cực.

Kết quả tốt nghiệp THPT trên 99%

Từ việc huy động hàng ngàn thanh tra từ các trường ĐH-CĐ về từng hội đồng coi thi, tới việc thi theo cụm, chấm chéo, rồi quay lại “giao chủ động, trách nhiệm” cho địa phương, cho thí sinh mang thiết bị chống tiêu cực vào phòng thi... Nhưng ngoài sự tốn kém, áp lực căng thẳng cho xã hội và người học, tiêu cực vẫn không giải quyết được triệt để.

Những sự vụ bê bối trong mùa thi, những clip tiêu cực phòng thi được tung ra trong liên tiếp ba mùa thi gần đây thật đáng suy nghĩ... Nhưng điều đáng nghĩ hơn là song hành cùng nhiều tiêu cực, tỉ lệ tốt nghiệp THPT cũng được đẩy lên chót vót. Từ 75,96% năm 2008, 84% năm 2009, tỉ lệ này tăng vọt lên 93% năm 2010, 96% năm 2011... Ba năm gần đây, tỉ lệ tốt nghiệp của cả nước cũng duy trì ở mức 97% đến trên 99%, nhiều địa phương, trong đó có nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên, tuy chất lượng còn nhiều bất cập cũng tốt nghiệp 100%. Tạm gác sang một bên câu chuyện mà bảy năm qua cả xã hội vẫn loay hoay tìm câu trả lời xác đáng là “có tiêu cực không trong kết quả tốt nghiệp?” mà chỉ so sánh sự tốn kém tiền tỉ, công sức của toàn xã hội cho việc tổ chức một cuộc thi quốc gia để đổi lấy kết quả xấp xỉ 100% đỗ tốt nghiệp. Có ý kiến phản biện cho rằng “phải thi thì học sinh mới học, phải thi thì giáo viên mới dạy, không thi thì chất lượng giáo dục sẽ tuột dốc không phanh”. Điều đáng bàn là ở đây ngành GD-ĐT đang sử dụng một cái thắng đã cũ mòn, ọp ẹp để ngăn sự tuột dốc của giáo dục... Hãy nhìn vào sự thật thầy trò lao vào đối phó với thi cử như thế nào? Một học trò sẽ còn mang theo được những kiến thức, kỹ năng nào vào đời nếu đường tới trường thi là mớ kiến thức học vẹt?

Ngành GD-ĐT đang cần một cái thắng mới là sự thay đổi chương trình, cách dạy học, đặc biệt thay đổi đánh giá, thi cử trong quá trình dạy học... Nhưng cũng cần tạo một động lực mới cho người học bằng việc giảm bớt những áp lực nặng nề, tốn kém không cần thiết, cho người học thời gian, cơ hội để tập trung công sức trau dồi kiến thức, kỹ năng cho hướng đi mà họ sẽ lựa chọn.

Tổ chức kỳ thi quốc gia duy nhất từng là trăn trở của nhiều nhà quản lý giáo dục trong hơn một thập kỷ qua và cũng nhiều lần được trì hoãn, thậm chí có lúc xem như không bàn tới. Nguyên do khiến phương án “một kỳ thi” không khả thi vì tư duy vẫn đặt nặng mục đích “xét tốt nghiệp” với tham vọng không có tiêu cực khi tư tưởng chạy theo thành tích, trong khi các điều kiện đảm bảo kỷ cương trường thi ở các địa phương trở nên bất lực.

Nhưng với tỉ lệ gần 100% học sinh hiện nay đỗ tốt nghiệp THPT, kỳ thi tốt nghiệp THPT riêng rẽ hoàn toàn có thể bỏ để tránh áp lực, tốn kém không cần thiết, tăng cơ hội cho người học đi sâu theo hướng lựa chọn nghề nghiệp. Việc kiểm tra, đánh giá, công nhận hoàn thành tốt nghiệp THPT có thể thực hiện trong cả quá trình giáo dục và qua một kỳ thi quốc gia duy nhất có nhiều mục đích. Ở kỳ thi này, cán cân nặng hơn sẽ dành cho việc tuyển sinh ĐH-CĐ và các trường trong khối giáo dục nghề nghiệp. Với sự điều chỉnh này sẽ kéo theo cách thức tổ chức thi, cách thức ra đề thi và tính nghiêm túc bắt buộc phải có để kết quả thi có thể là một căn cứ quan trọng trong việc tuyển sinh.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên