15/05/2014 12:14 GMT+7

Yên bờ mới vượt được sóng cả

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Biển Đông nổi sóng. Tin tức nóng bỏng đổ về hàng giờ. Ruột gan cồn cào, nhưng không hiểu sao chúng tôi lại nhớ đến những giọt nước mắt của những bạn đồng hành đã trào ra giữa Trường Sa cách đây tròn một năm.

2BwAHaFV.jpgPhóng to
Nhân viên Công ty bảo hiểm Viễn Đông đóng góp một ngày lương để Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông - Ảnh: T.Đạm

Hãy kiên cường, tỉnh táo, chúng ta là dân tộc yêu hòa bình!

Ấy là một đêm đứng giữa đảo Trường Sa Lớn, ngước nhìn những đốm sao lấp lánh giữa trời thăm thẳm mà nghe tiếng hát: “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/Cơn bão chưa ngưng trong tâm hồn biết bao người/Anh đứng gác trời khuya đảo vắng/Biển một bên và em một bên...”.

Hơn lúc nào hết, chính lúc ấy, chúng tôi mới hiểu thấu những gian khổ, hiểm nguy mà người lính đang phải đương đầu, vượt qua nơi đầu sóng, ngọn gió để bảo vệ Tổ quốc. Và để vượt qua được, với họ, hậu phương có yên thì tiền tuyến mới vững.

Những ngày này, đọc tin của đồng nghiệp về các tàu kiểm ngư, cảnh sát biển đang dùng trí tuệ và lòng kiên nhẫn để đấu với sức mạnh của các loại tàu chiến, máy bay Trung Quốc ngoài khơi xa, về các lực lượng quân sự Việt Nam đang căng mình theo dõi từng động thái, kiềm chế hết mức trước những đòn khiêu khích... càng tin rằng cuối cùng hòa bình sẽ được vãn hồi. Ngồi tiếp bạn đọc, từ doanh nghiệp đến đóng tiền tỉ, đến em bé ôm theo con heo đất, chị ve chai với xấp tiền đẫm mồ hôi... những người làm báo chúng tôi cảm thấy vui mừng vì được làm cầu nối chuyển sự ký thác từ đất liền ra biển xa.

Đứng giữa cuộc mittinh, đi giữa đoàn tuần hành, nghe nhắc nhớ về truyền thống bất khuất, nghe những lời kêu gọi, những bài hát truyền thống phát ra từ trong tim... càng tự hào và tin tưởng vào sức mạnh của lòng yêu nước, của dân tộc mình.

Thế rồi lại có những tin buồn, không phải từ ngoài khơi. Một khách sạn từ chối tiếp khách Trung Quốc, dù người du lịch Trung Quốc không có lỗi trong việc xâm phạm lãnh thổ. Những công nhân quá khích đập phá nhà máy Trung Quốc, dù đó là nơi cung cấp cho họ việc làm, cơm ăn, áo mặc... Tôi lại nhớ cái siết tay của anh sĩ quan trên đài quan sát của đảo Cô Lin khi xoay kính viễn vọng về phía Gạc Ma: “Kiên nhẫn để im lặng trước những khiêu khích khó hơn rất nhiều việc đáp trả, khó hơn cả sự hi sinh, nhưng chúng tôi phải cắn răng lại. Đất nước mình phải được hưởng hòa bình để phát triển”.

Ai đó nói rằng mỗi người có quyền có cách thể hiện lòng yêu nước của mình, nhưng mỗi người còn có nghĩa vụ nghĩ đến hàng ngàn, hàng triệu người khác trước khi hành động. Có lẽ nào chỉ những người lính mới phải nghĩ đến hòa bình, đến đất nước, đến hàng triệu người đứng phía sau họ? Mỗi hành động thiếu suy nghĩ, cân nhắc lúc này sẽ là mồi lửa thổi bùng đám cháy, là quân cờ đôminô xô ngã cả một tổng thể đã được xếp đặt khít khao trong xã hội: an ninh - kinh tế - đời sống - quân sự...

Nếu như dòng người tuần hành ôn hòa thể hiện tình yêu nước, lòng yêu hòa bình, sức mạnh đoàn kết của dân tộc bao nhiêu thì đoàn người theo nhau hò hét, đập phá lại để lộ những hình ảnh sai trái, phản cảm bấy nhiêu. Đám đông không phải là dân tộc, nhưng đám đông lại có thể phá hủy những thành quả và giá trị của dân tộc.

Trải qua 30 năm - hai cuộc kháng chiến thấm đẫm máu và nước mắt, dân tộc Việt Nam mới được hưởng 39 năm hòa bình, thống nhất, nhưng đất nước vẫn gian lao, vẫn chưa bao giờ bình yên, hòa bình vẫn bị thử thách tại những lằn ranh sinh tử. Chỉ có mạnh lên, giàu lên, văn minh, dân chủ, tiến bộ lên mới là phương cách giữ gìn hòa bình bền vững. Công cuộc ấy cần sự chung tay, chung sức của mỗi người và nhất thiết không cần những hành vi không xuất phát từ trí tuệ.

Và lúc này, xin hãy giữ yên bờ, hãy là một bên êm dịu để ngoài khơi kia, những người lính yên tâm vượt qua sóng dữ.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên