17/04/2014 00:49 GMT+7

Nhiều sơ hở trước "trận đánh lớn"

TRẦN HỮU TÁ
TRẦN HỮU TÁ

TT - Nhiều đề án, kế hoạch của các ngành, các giới đã được trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng có lẽ ít bản nào lại bị chê nặng lời như dự thảo nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông do một ông thứ trưởng Bộ GD-ĐT trình bày ngày 14-4-2014.

Sốc với đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoaGiải pháp đổi mới sách giáo khoa còn mờ nhạt Biên soạn SGK: Phát triển kỹ năng, không chạy theo kiến thức

Những gì các thành viên của ủy ban góp ý, báo chí đã phản ánh khá chi tiết, không cần nhắc lại.

Xin nêu một giả định “vui”: Nếu đề án ấy - kết quả sau bao ngày làm việc của không ít chuyên gia hạng nhất của Bộ GD-ĐT - được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rồi sau đó được Quốc hội thông qua thì thất bại của công cuộc đổi mới giáo dục sẽ là chuyện hiển nhiên, không có gì phải bàn cãi.

Tại sao có thể quyết đoán như vậy? Trước hết cần nhấn mạnh: “trận đánh lớn” này (như chữ dùng của ông bộ trưởng) có nhiều sơ hở quá. Đổi mới chương trình và biên soạn sách giáo khoa là cần, nhưng cấu trúc của ngành phổ thông vẫn như cũ hay có thay đổi? Số năm học của hai cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông vẫn là 4+3 hay có khác đi? Yêu cầu cơ bản của mỗi cấp là gì? Sau trung học cơ sở có phân luồng, phân tuyến triệt để hay vẫn cứ “tuần tự nhi tiến” hết lớp 9 thì đại bộ phận học sinh mặc nhiên lên lớp 10 như hiện nay? Cấp trung học phổ thông có phân ban hay không? Có thể rút được bài học gì qua thất bại thê thảm của lần phân ban trước? Chưa có lời đáp cho những câu hỏi này mà đã hăm hở viết chương trình và sách giáo khoa thì kể cũng lạ.

Cụm câu hỏi thứ hai cũng cần được giải đáp nghiêm túc: hàng triệu giáo viên đang đứng trên bục giảng sẽ được chuẩn bị đào tạo lại như thế nào? Các trường đại học và cao đẳng sư phạm đã bắt đầu đổi mới việc đào tạo chưa, hay vẫn theo quỹ đạo cũ? Để thực hiện hai nhiệm vụ vừa kể trên (đào tạo mới và đào tạo lại giáo viên phổ thông), hệ thống giảng viên các trường sư phạm có được chuẩn bị gì không? Thực tiễn trả lời: chưa, chưa được chuẩn bị gì cả. Ai cũng biết lẽ ra để đổi mới việc dạy - học ở phổ thông, ngành sư phạm phải chuyển động trước ít nhất năm năm. Có như thế họ mới không bị động trước nhiệm vụ mới.

Về kinh phí, nếu không nhầm thì năm 2012 đã có một dự án hấp dẫn của bộ, với số tiền “khủng” hơn nhiều lắm: 70.000 tỉ đồng. Lần này, những người xây dựng kế hoạch ít nhiều đã “biết điều” hơn, nên có con số khiêm tốn 34.275 tỉ đồng. Vậy mà nhà giáo lão thành Hoàng Tụy vẫn “thật sự sốc” và “hi vọng nghe nhầm con số” vì “ngay đến các nước giàu có trên thế giới cũng không ai tiêu xài vô lý như thế” (Tuổi Trẻ 15-4-2014).

Đúng là vô lý, rất vô lý! Nếu được, Bộ GD-ĐT nên triệu tập một vài hội nghị ở các vùng miền (kinh phí tự túc), mọi người sẽ chỉ ra những chỗ vô lý, lãng phí rất dễ thấy. Một vụ Asiad còn rất nóng, nay thêm vụ này, đúng như anh Bút Bi đã hóm hỉnh cho đó là “cặp đôi siêu hoàn hảo” trong chuyện... phá tiền dân (báo đã dẫn). Sẽ có nhiều cách (gợi ý của PGS Văn Như Cương là một) để thực hiện có kết quả “trận đánh lớn” này mà tiết kiệm hơn rất nhiều. Hoàn cảnh nước ta đang vay nợ nhiều, tiết kiệm thêm được một ngàn cũng quý. Nên chăng Nhà nước đấu thầu để chọn lựa đối tượng thực hiện công việc này, vừa tiết kiệm vừa đảm bảo chất lượng.

Từ nay đến kỳ họp Quốc hội tháng 5 chỉ còn vài ba tuần. Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Yêu cầu Bộ GD-ĐT khẩn trương chuẩn bị lại để đảm bảo chất lượng trình Quốc hội”. Nước không chỉ đến chân, mà lên đến ngực, đến cổ rồi, lại thêm sự thiếu đổi mới quyết liệt tư duy của những người có trách nhiệm trong “trận đánh lớn” này, e rằng lần bảo vệ trước 500 đại biểu Quốc hội sắp tới cũng khó thành công.

Tôi chỉ mong dự báo trên của tôi sai và chúng ta sẽ có một nghị quyết đổi mới ngành giáo dục phổ thông thật sự đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân, để khỏi có lỗi với thế hệ trẻ hôm nay và ngày mai.

TRẦN HỮU TÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên