Mấy hôm nay, hàng ngàn người đã đến nhà tang lễ của Bệnh viện An Bình. Nơi ấy là chỗ quàn linh cữu em Nguyễn Đức Bảo Trác, học sinh lớp 6/2 Trường Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cậu bé đã chết thảm dưới bánh xe buýt vào sáng 6-3.
Hàng ngàn người ấy, không phải ai cũng là bà con, là người thân quen, là bạn bè của Bảo Trác. Có rất nhiều học sinh, thầy cô giáo của nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở trong thành phố; có nhiều người dân không quen với gia đình Bảo Trác, nhưng đọc trên báo thấy câu chuyện quá đỗi thương tâm nên đã tìm đến để thắp cho em một nén nhang tiễn biệt. Trong nhiều lời chia sẻ của mọi người khi đến viếng Bảo Trác, tôi đã “đọc” thấy một nỗi lo, một sự bất an của mọi người về xe buýt.
Sáng 8-3, đám tang Bảo Trác đã diễn ra. Tại đài hỏa táng Bình Hưng Hòa, một bác tài xe buýt đi tiễn đã tâm sự với tôi rằng dư luận gọi xe buýt là “hung thần” không phải vô cớ. Nhưng ông mong mọi người cũng chia sẻ thêm với nghề lái xe buýt. Bởi chưa có một làn đường riêng cho xe buýt thì áp lực về thời gian của tài xế xe buýt và sự hối hả của người đi đường cứ đẩy cả hai phía ngày mỗi tiến gần đến rủi ro.
Bác tài này tâm sự có ngồi cầm vôlăng xe buýt vào những giờ cao điểm, bốn phía là một rừng xe máy, bẻ lái phía nào cũng có thể va quẹt, mới thấy việc giữ an toàn cho người đi đường không phải là chuyện chỉ cần có lương tâm hay sự cẩn trọng mà làm được.
Đồng nghiệp của tôi kể rằng khi chất vấn những người có trách nhiệm về xe buýt ở thành phố này, họ đã than rằng cũng biết muốn xe buýt thân thiện, tốt đẹp thì đường phải to để có làn riêng cho xe buýt, nhưng muốn đường to thì phải có nhiều tiền.
Chưa kể, đường phải to tới cỡ nào mới vừa, khi mà thành phố phát triển dân số nhanh chóng mặt?
Chưa kể, trên thế giới này có nơi nào đông xe máy như ta? Và người đi xe máy thì nào có phải ai cũng tuân thủ đúng luật, không phóng nhanh, vượt ẩu?
Và cả cảnh sát giao thông nữa. Có mấy khi thấy lực lượng này ách xe buýt lại để xử phạt về cái kiểu chạy như bay, ra vào thoải mái và nhấn kèn inh ỏi?
Điểm lại tất cả thì đều thấy bên nào cũng có lỗi của mình.
Với những ai có cơ hội đi ra nước ngoài như Mỹ, Úc, Nhật, Singapore... thì đều mong cho xe buýt xứ mình được như xứ người. Ở đó, đường sá thông thoáng, có làn đường riêng cho xe buýt. Ở đó, tài xế xe buýt sao mà văn minh, lịch sự, thậm chí có thể bước xuống giúp cả người già, khuyết tật lên xe. Ở đó, ôtô nhiều hơn xe máy, và tất cả đều nối đuôi nhau lưu thông theo đúng luật. Ở đó, cảnh sát chẳng tha bất cứ ai, dù là xe buýt, xe môtô, ôtô nếu phạm luật.
Nhưng để được như xứ người, ta còn phải phấn đấu nhiều lắm.
Trước mắt, chỉ mong sao mọi người đều luôn nhớ đến ngày hôm qua 8-3, đã có một đám tang tiễn đưa cậu bé 12 tuổi mang tên Bảo Trác đã chết thảm dưới bánh xe buýt. Nỗi nhớ ấy có ý nghĩa với các quan chức phụ trách giao thông, quản lý đô thị rằng phải quyết liệt cải thiện xe buýt sao cho thân thiện hơn. Nỗi nhớ ấy có ý nghĩa với các bác tài xe buýt, với mọi người đi đường phải kiềm chế hơn, tuân thủ luật lệ hơn.
Có vậy mới hi vọng sẽ không còn một cái chết thương tâm nào nữa như Bảo Trác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận