06/02/2014 10:30 GMT+7

Trách nhiệm tan theo xác pháo

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Vậy là pháo lại nổ ở nhiều nơi, không chỉ trong đêm giao thừa mà suốt cả dịp tết. Pháo nổ ở Hải Dương, Nam Định, Quảng Bình, Quảng Trị... Có nơi, người dân đổ xô ra đường xem pháo nổ, chụp hình và quay clip, hò hét cổ vũ người đốt pháo. Cảnh tượng những đường làng, phố thị ngổn ngang xác pháo thách thức sự nghiêm minh của pháp luật.

Đường làng ngổn ngang xác pháoXả đạn, đốt pháo đón năm mới: 2 người chết, 600 bị thương

Chắc nhiều người còn nhớ đúng một năm trước, chánh văn phòng UBND tỉnh Hải Dương trả lời báo chí rằng tỉnh đã báo cáo lên Chính phủ là không có hiện tượng đốt pháo. Nhưng, trước hình ảnh những con đường đầy xác pháo được báo chí đưa lên, chủ tịch UBND tỉnh phải thừa nhận trong dịp tết đã xảy ra hiện tượng đốt pháo trên địa bàn. Tại cuộc họp Chính phủ đầu năm mới 2013, Thủ tướng đã phê bình lãnh đạo tỉnh Hải Dương và nhiều địa phương khác để xảy ra nạn đốt pháo. Rồi sau đó, Hải Dương và nhiều tỉnh thành khác đã “cam kết không để tiếng pháo nổ đêm giao thừa...”.

Lãnh đạo các địa phương hẳn cũng chưa quên trước Tết Quý Tỵ 2013, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 1878/CĐ-TTg chỉ đạo các tỉnh thành, các bộ ngành tập trung ngăn chặn tình trạng buôn bán, sử dụng pháo với lời lẽ rất quyết liệt: “Kiên quyết không để tái diễn việc sản xuất; hạn chế tới mức thấp nhất việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép... Địa phương nào buông lỏng chỉ đạo, không kiên quyết ngăn chặn, xử lý triệt để các vi phạm về pháo thì chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ”. Trước tết năm nay, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại một lần nữa lưu ý: “Nếu xảy ra việc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và đốt pháo trái phép trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014 thì chủ tịch tỉnh, thành phố sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ”.

Pháo vẫn nổ. Ở nhiều nơi pháo nổ vang trời như chưa từng có lệnh cấm. Chánh văn phòng Công an tỉnh Hải Dương nói với phóng viên Tuổi Trẻ rằng “tình trạng đốt pháo ở Hải Dương đã giảm khoảng 80% so với năm trước”. Nhưng những bức ảnh được phóng viên chụp lại một lần nữa làm lung lay niềm tin vào những lời hứa và khẳng định của lãnh đạo tỉnh này. Và pháo nổ nhiều không chỉ ở Hải Dương.

Vậy, lãnh đạo các địa phương để xảy ra tình trạng đốt pháo sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào? Hay lại vẫn chỉ nhận lời phê bình như nhiều năm trước. Rồi lời nói gió bay...

Chính quyền, công an, các đoàn thể xã hội được tổ chức ở nhiều tầng nấc, xuống đến địa bàn khu dân cư, tổ dân phố. Mà sao pháo vẫn nổ? Pháo không nổ vụng trộm, mà pháo nổ ngang nhiên. Chính quyền đã làm gì, công an đã làm gì, các đoàn thể xã hội đã làm gì trong dịp tết? Tại sao cũng với lực lượng, tổ chức tương tự mà nhiều địa phương không có hoặc rất ít tiếng pháo nổ, còn với một số địa phương thì pháo nổ râm ran năm này qua năm khác? Trách chính quyền, công an, đoàn thể trong việc tuyên truyền, quản lý, giáo dục thì cũng không thể bỏ qua trách nhiệm của lực lượng hải quan, quản lý thị trường và các lực lượng có trách nhiệm phòng chống buôn lậu.

Đã 20 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị nghiêm cấm việc buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo... Nhiều công văn, chỉ thị, nhắc nhở, lưu ý, phê bình dường như cứ lặp đi lặp lại, đến hẹn lại lên. Nếu những người “phải chịu trách nhiệm” không bị xử lý nghiêm minh, liệu người dân có còn tin vào các quy định và lời hứa?

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên