17/01/2014 08:15 GMT+7

"Tôi chỉ có một đứa con"

TRỌNG HIỂU
TRỌNG HIỂU

TT - Vì muốn có một tương lai tốt, người mẹ đã mang con của mình đến gặp người diễn xiếc để học nghề. Và đây là câu chuyện giữa họ:

Trẻ lại tử vong sau tiêm văcxin QuinvaxemMột cháu bé đột tử không rõ nguyên nhân sau tiêm văcxin

Người mẹ: Đứa bé có được bảo đảm là an toàn?

Người diễn xiếc: Tôi không chắc, nhưng xác suất nguy hiểm là nhỏ.

Người mẹ: Nhưng tôi chỉ có một đứa con. Do vậy, với tôi, xác suất nhỏ cũng là rủi ro lớn.

Người diễn xiếc: Tôi biết. Trong nghề của chúng tôi, để điều đó xảy ra cũng là chuyện khó chấp nhận...

Người mẹ: Xin nhắc lại, tôi chỉ có một đứa con.

Người diễn xiếc: Tôi chỉ muốn nói rằng nếu điều đó có vô tình xảy ra, nằm ngoài tầm kiểm soát thì chúng tôi không bị người đời nguyền rủa.

...

Câu chuyện tưởng tượng trên khá gần gũi với tâm trạng của các bậc cha mẹ sau khi đọc bản tin “Một bé trai tử vong sau tiêm văcxin Quivaxem” (Tuổi Trẻ 16-1). Cần nhắc lại, sau nhiều ca tử vong của trẻ có phản ứng sau tiêm văcxin, các cơ quan chức năng và người chịu trách nhiệm quản lý đều cho rằng tất cả nằm trong tỉ lệ cho phép. Và đó là lý do vì sao văcxin này được đưa vào sử dụng trở lại sau khi đã được tạm ngưng.

Tuy nhiên, giống như câu chuyện ở trên, phần lớn các bà mẹ, mỗi gia đình chỉ có một hoặc hai con. Do vậy, xác suất không thể là thứ để chúng ta đánh đổi số phận của mỗi gia đình khi chia trung bình số phận của tất cả các gia đình, vì điều đó là không thể được và không thể chấp nhận được. Từng - gia - đình - riêng - lẻ không thể nào bị lạnh lùng đối xử trước cái tỉ lệ “có thể chấp nhận” ấy của tổng số tất cả các gia đình.

Nhưng thật sự cái tỉ lệ cảnh báo khi sử dụng văcxin luôn được đưa ra để lý giải đó cuối cùng là để làm gì? Liên hệ với câu chuyện ở trên, liệu chăng đó có phải là tỉ lệ để giải phóng trách nhiệm khi sự cố xảy ra. Và khi đó, nhà sản xuất sẽ không phải chịu trách nhiệm nếu số ca phản ứng vẫn nằm trong giới hạn cho phép.

Nếu như vậy, điều đó cũng có nghĩa đây không phải là tỉ lệ dành cho chúng ta. Chúng ta không thể sử dụng nó để yêu cầu các bà mẹ, đứa bé hay từng gia đình tiếp tục tham gia vào phép thử... của nhà sản xuất. Như đã nói, chúng ta không thể buộc các gia đình đặt mình vào tình huống một mất - một còn trước sự lưỡng lự của cái gọi là “tỉ lệ cho phép”. Sao lại có thể chấp nhận một thực tế đau lòng như thế và cũng có thể dễ dàng dùng cái “tỉ lệ cho phép” đó để miễn trừ trách nhiệm trước những cái chết đau lòng?

TRỌNG HIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên