Trên sân Thống Nhất tối 6-1, khi xem U-19 VN thi đấu với U-19 AS Roma (Ý), tuy thua 1-2 nhưng tôi không cảm thấy buồn, ngược lại rất đồng tình với dư luận người hâm mộ đánh giá trước trận đấu sẽ là “bữa đại tiệc” bóng đá. Tôi lại nghĩ về kinh tế đất nước qua chặng đường gần 40 năm.
Tôi thử bàn: U-19 VN có thành phần nòng cốt là của ông Đoàn Nguyên Đức, đó là tài sản của ông Đức vì ông đã bỏ ra giá trị “lao động quá khứ” tính đến hàng triệu đôla Mỹ. Của ông nên ông toàn quyền chăm chút và sẽ thu lợi sau này khi bán cho các câu lạc bộ và Việt Nam sẽ có nền bóng đá chuyên nghiệp, có bản sắc riêng. Nhìn lối đá của các cầu thủ trẻ, tôi tin điều đó vì họ kế thừa và phát huy lối chơi kỹ thuật, xuất sắc hơn là đã có một bước tiến xa về đạo đức thể thao. Điều đó có nghĩa là “tài sản” của ông Đoàn Nguyên Đức có giá.
Bây giờ sau đổi mới, nông nghiệp phát triển hết chiều rộng thì càng hội nhập, càng cạnh tranh lại càng thua sút, thua sút ngay trên sân nhà, đến mức nông dân bỏ hoang hoặc trả hàng ngàn hecta đất cho Nhà nước vì “làm một sào ruộng, lãi chỉ ăn được hai bát phở”. Nó giống như đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam sau khi tái hòa nhập bóng đá Đông Nam Á giành huy chương bạc, uy danh nổi như cồn, tôi đi nước ngoài thấy họ tôn trọng hơn lần tôi đi trước đó. Nghe tên Việt Nam là họ đưa ngón tay cái lên “bóng đá số 1”. Rồi lần sau, lần sau... nghĩa là đội tuyển Việt Nam tụt dài, mất khán giả trên sân cỏ mà còn mất khán giả truyền hình thảm hại. Các câu lạc bộ tuy ra đời rầm rộ nhưng không cứu vãn tình thế.
Tôi càng thắc mắc cái “câu lạc bộ” mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đề cập. Hôm nay mới vỡ ra: Hoàng Anh Gia Lai mới đích thực là một câu lạc bộ bóng đá đúng nghĩa. Nghĩa là đầu tư bóng đá sẽ thu lợi từ bóng đá, tất nhiên có mối quan hệ kinh tế khác của tập đoàn, nhưng cái tâm muốn đầu tư bóng đá mà thu lợi từ thứ khác ngoài bóng đá thì sẽ thất bại. Các doanh nghiệp nhà nước một thời là rường cột của nền kinh tế quốc dân, nhưng dần dần trở thành gánh nặng nợ nần của quốc gia là do thiếu vắng cơ chế người chủ sở hữu cụ thể chứ không phải “làm chủ tập thể”.
Từ đầu năm 2014, không còn tên tập đoàn Vinashin nữa. Đó là thông điệp đầu năm Chính phủ muốn nói lên quyết tâm sẽ xóa bỏ hình thức quản lý “cha chung không ai khóc” và sẽ cổ phần hóa hàng loạt “ông” quốc doanh còn lại để nhẹ mình mà cạnh tranh WTO và tiến tới là sẽ gia nhập TPP.
Trận cầu U-19 hôm 6-1 dường như muốn gửi thông điệp đầu năm là: chúng tôi chỉ một người quản lý, điều hành chúng tôi thông qua quyền lợi cá nhân của người ấy và gắn với sự thành bại của chúng tôi.
Người viết suy nghĩ: Đó là quyền tài sản của cá nhân mà trong TPP có ràng buộc “quyền sở hữu trí tuệ” là không thể “thông cảm”. Đó cũng là quyền con người thiêng liêng mà Hiến pháp sửa đổi lần này trịnh trọng nêu thành một chương mới. Đó là sợi chỉ đỏ xâu chuỗi các mối quan hệ xã hội lại với nhau ở một tầm cao mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận