Nếu bức tranh kinh tế 2014 hoàn thiện như những gì đã dự kiến, có thể người dân không cảm thấy ngột ngạt do giá cả tăng nhưng đầu tư, kinh doanh, công ăn việc làm, sức mua... cũng chưa thể hoành tráng do tăng trưởng kinh tế không như mong muốn. Nhưng từ nhu cầu phát triển, xã hội không chấp nhận kéo dài những khó khăn. Việc cần làm trong năm 2014 chính là hiệu quả đồng vốn, phải biết mơ ước, thậm chí đòi hỏi tiến tới “một vốn phải bốn lời”. Có thể đòi hỏi này quá cao nhưng chúng ta ngay bây giờ phải từ bỏ thói quen bỏ tiền ra mà không cần thu về.
Vì sao phải đặt mục tiêu “một vốn bốn lời”? Nhiều năm qua chúng ta phải đánh đổi rất nhiều vốn để có được tăng trưởng kinh tế. Năm 2009, phải bỏ đến 8,05 đồng vốn mới có được 1 đồng tăng trưởng, năm 2008 là 6,18 đồng, trong khi các năm 2005-2006 chỉ 4,8-5,04 đồng. Con số này so với nhiều nước là vẫn cao, có nghĩa chúng ta đầu tư không hiệu quả. Nhưng năm 2014, nếu kéo được con số này xuống như những năm 2005-2006 thì cũng ngần ấy vốn đầu tư (tương đương 30% GDP) chúng ta sẽ có được tăng trưởng kinh tế không phải là 5,8% mà là 6% hoặc cao hơn. Tăng trưởng tốt, bền vững, không chỉ công ăn việc làm mà sức mua cũng được cải thiện, doanh nghiệp làm ăn có lãi, có của để dành cho phát triển.
Thế nhưng để đồng vốn sinh lời cao hơn phải tạo ra thế kiềng ba chân trong sử dụng vốn. Ngoài siết chặt đầu tư công, còn phải nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cũng như xây dựng lòng tin và môi trường kinh doanh để doanh nghiệp dân doanh làm ăn thuận lợi, không bị sốc bởi sự điều chỉnh của chính sách.
Năm 2014 chúng ta sẽ xây dựng Luật đầu tư công, việc cần làm là đưa luật đi ngay vào cuộc sống, dứt khoát không thể chờ xây dựng văn bản dưới luật để thi hành như nhiều luật khác đã vướng phải. Chúng ta cũng sẽ xây dựng Luật quản lý và sử dụng vốn nhà nước, sửa Luật ngân sách nhà nước, trong đó tiền lãi, cổ tức của doanh nghiệp nhà nước được nộp về cho ngân sách nhà nước. Nếu không quyết liệt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, xử lý ngay lãnh đạo doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả thì lấy đâu ra tiền để nộp về cho ngân sách. Khi đã siết chặt việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước thì cũng phải mở ra cơ chế thoáng cho dân doanh làm ăn. Cái mà họ đang cần đó là chính sách bền vững, sát thực tế, đừng ban hành rồi điều chỉnh, hoặc khi thì nới lỏng, lúc lại thắt chặt. Cần nhấn mạnh điều này vì nhiều doanh nghiệp dân doanh đang sống dở chết dở cũng bởi sự thay đổi của chính sách diễn ra trong các năm trước. Có môi trường kinh doanh tốt, ổn định, chắc chắn đồng vốn mà doanh nghiệp dân doanh bỏ ra sẽ tạo ra việc làm, sản phẩm và lợi nhuận chứ không chôn vùi trong nợ xấu...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận