Ngay lập tức, hàng trăm người ập tới tranh giành nhau “hôi” bia. Nhiều người còn leo lên cả thùng xe vét nốt số bia còn sót lại. Thậm chí, họ còn đưa cả xe ba gác ra chở bia.
Ngày 29-11. Xấp tiền 100.000 đồng của một người dân rớt xuống đường bị gió thổi bay tứ tung trên quốc lộ 1, gần chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM). Chỉ trong nháy mắt, hàng chục người từ lề đường nhào ra nhặt. Thậm chí cả tài xế và lơ xe tải cũng dừng xe đột ngột ngay giữa đường để... lao xuống lượm tiền.
Ngày 22-10. Vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường Đồng Khởi (đoạn qua P.Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Đồng Nai) khiến hai người bị thương nặng. Tại hiện trường, một xấp tiền mệnh giá 500.000 đồng cùng với điện thoại của một nạn nhân văng tung tóe. Nhiều người cũng lao vào ngay lập tức nhưng không phải để cứu các nạn nhân đang quằn quại trong đau đớn mà để... lượm tiền.
Ngày 16-10. Ngay tại trung tâm TP.HCM, bốn thanh niên đi hai xe máy, móc 50 triệu đồng trong túi quần của một người đang dừng xe chờ đèn đỏ, bọc tiền rơi ra đường. Trong lúc nạn nhân đang lo bắt cướp thì người đi đường lại cúi xuống nhặt tiền rồi... bỏ chạy.
Đó chỉ là những vụ hôi của mà các phương tiện truyền thông ghi nhận được. Tin trên báo cũng chỉ đủ cho người ta lắng lòng và đắng lòng một chút, rồi họ tặc lưỡi: lòng tham lấn át lương tri...
Cũng có những lóe sáng cạnh những chuyện tối tăm đó. Trong vụ hồn nhiên lượm tiền trên quốc lộ 1 kể trên, lấm lem trong số hàng chục người hùng hục nhặt tiền, chỉ có duy nhất anh tài xế xe khách dừng xe, nhảy xuống phụ lượm tiền đưa lại cho người mất. Hoặc câu chuyện hơn một năm trước, tài xế taxi Nguyễn Văn Dũng (Gio Linh, Quảng Trị) chủ động trả lại cho chủ nhân chiếc túi xách để quên trên xe, bên trong có nhiều tài sản trị giá gần 1 tỉ đồng. Anh Dũng tâm sự: “Thú thật, với tài sản lớn như vậy thì làm cả đời cũng không có được. Nhưng nghĩ người mất của phải khổ cực để kiếm tiền, mất số tài sản lớn thế này chắc gia đình sẽ lâm vào cảnh điêu đứng nên tôi quyết tâm trả lại”.
Tiếc là những chuyện đẹp như vậy hình như ngày càng hiếm hoi.
Khả năng từ chối và không nhận những thứ không thuộc về mình không ngẫu nhiên mà có. Nó là sản phẩm của cả một quá trình giáo dục, trong đó có giáo dục tại nhà trường, giáo dục trong gia đình và giáo dục ngoài xã hội.
Nếu từ nhỏ trẻ được dạy cẩn thận chuyện xếp hàng thì lớn lên sẽ khó có cảnh chen lấn, xô đẩy, vượt đèn đỏ, tranh giành làn đường; nếu từ nhỏ trẻ được dạy không lấy những gì không phải của mình thì lớn lên làm sao có cảnh nhức nhối như cướp tiền, cướp bia, cướp dưa giữa đường, và càng sẽ không có chuyện đạo văn, biển thủ, tham ô của công, tiêu xài tiền chùa...
Và nếu từ nhỏ, trẻ được dạy một cách căn cơ một nghề: NGHỀ LÀM NGƯỜI, thì lớn lên, cho dù là ai, làm nghề gì cũng sẽ làm tử tế và với trách nhiệm cao nhất. Vì nói như nhà khai minh Jean-Jacques Rousseau, nghề làm người là nghề quan trọng nhất, là nghề gốc của mọi nghề!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận