05/12/2013 09:48 GMT+7

Bất ổn giá gas

BẠCH HOÀN
BẠCH HOÀN

TT - Phải móc túi ra gần 500.000 đồng mới mua được một bình gas 12kg, người tiêu dùng đến nay dường như vẫn chưa nguôi ấm ức. Thế nhưng chỉ một ngày sau khi trả lời báo giới rằng Bộ Công thương sẽ cùng Bộ Tài chính lập đoàn kiểm tra giá gas, lãnh đạo Bộ Tài chính đã lên website của ngành khẳng định giá bán lẻ gas trong nước tăng là phù hợp với diễn biến giá thế giới.

Sẽ lập đoàn kiểm tra giá gasSốc với giá gas tăng từ 1-12

Ông Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giải thích giá gas ở thị trường trong nước được xác lập trên cơ sở giá thế giới do Công ty Saudi Aramco (Saudi Arabia) công bố vào những ngày cuối cùng của tháng trước và áp dụng từ đầu tháng sau. Từ ngày 1-12, giá thế giới tăng thêm 267,5 USD/tấn. Tính toán sơ bộ, giá bán gas trong nước tăng bình quân 80.000 đồng/bình 12kg là hợp lý.

Thế nhưng thông tin của Bộ Tài chính chưa làm sáng tỏ được những khúc mắc của người tiêu dùng. Bởi doanh nghiệp tăng giá vào ngày 1-12, trong khi thời điểm này chưa hẳn doanh nghiệp đã nhập hàng về mà vẫn bán gas sản xuất trong nước, gas tồn đã nhập khẩu về trong tháng 10, tháng 11-2013.

Nếu chỉ nhìn vào giá thế giới công bố sẽ tăng trong tháng 12 là bao nhiêu, so sánh với giá doanh nghiệp trong nước công bố tăng thêm bao nhiêu để khẳng định hợp lý hay không hợp lý thì chỉ cần người bắt đầu biết làm phép toán cũng có thể thực hiện được, không cần phải đến một cơ quan quản lý cấp cục. Đáng lẽ ra Cục Quản lý giá phải đi kiểm tra thực tế xem doanh nghiệp còn tồn kho bao nhiêu, đã nhập hàng mới về chưa mà đòi tăng giá hay chỉ là tăng giá đón đầu?

Rõ ràng những trường hợp doanh nghiệp còn tồn gas nhập khẩu trong tháng 11 nhưng bán ra với giá mới ở tháng 12 sẽ có lời lớn. Theo tính toán, giá gas nhập khẩu về cảng VN đã gồm các loại phí bảo hiểm, tiền vận chuyển, thuế nhập khẩu có mức trung bình trong tháng 11-2013 vào khoảng 261.300 đồng/bình 12kg.

Từ đây đến tay người tiêu dùng, doanh nghiệp phải nộp thêm thuế VAT, tiền vận chuyển, kho bãi, chiết khấu đại lý... Tuy nhiên, mức chênh lệch lên đến 230.000 đồng/bình 12kg là quá lớn. Doanh nghiệp chắc chắn bỏ túi ít nhất 78.000 đồng/bình tiền chênh lệch giữa gas nhập giá tháng 11 nhưng lại bán ra theo giá thế giới công bố tháng 12-2013.

Một trong những điều khó hiểu, chưa được lý giải là tại sao gas sản xuất trong nước đã chiếm gần 58% thị phần tiêu thụ nhưng giá vẫn hoàn toàn phụ thuộc thế giới? Vậy phần thuế nhập khẩu gas 5% mà gas sản xuất trong nước không phải nộp về ngân sách đang nằm ở đâu, rơi vào túi ai? Và tại sao biến động giá chỉ tác động đến khoảng 42% gas tiêu thụ ở VN mà toàn bộ 100% gas bán cho người tiêu dùng đều nhảy giá?

Theo Luật giá, gas thuộc danh mục hàng bình ổn giá. Vì thế với những biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc kiểm tra. Nếu trường hợp hàng tồn kho còn nhiều, doanh nghiệp chưa nhập hàng mới về thì hạ nhiệt giá gas, đưa về mức hợp lý không quá khó khi cơ quan quản lý nhà nước thật sự muốn làm.

BẠCH HOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên