Dù vẫn xuất hiện nhiều từ ngữ chung chung quen thuộc như “tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao”, nhưng điều đáng ghi nhận với nghị quyết này là lần đầu tiên Quốc hội bắt buộc các cơ quan có liên quan phải thực hiện một số mục tiêu cụ thể trong các năm 2014 và 2015 như: đánh giá tổng thể các đập, hồ chứa trong cả nước; hoàn thành việc trồng rừng thay thế... Đặc biệt, Quốc hội yêu cầu kiên quyết loại bỏ, dừng các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, có ảnh hưởng xấu tới chế độ dòng chảy, môi trường và đời sống người dân.
Yêu cầu này đặt ra hai vấn đề lớn cần suy nghĩ.
Trước hết, hiện nay cả nước có 268 nhà máy thủy điện đang hoạt động, bên cạnh đó còn 205 nhà máy đang khởi công và 248 dự án nằm trong quy hoạch nhưng chưa xây dựng. Ai cũng hiểu rằng thủy điện là một trong những nguyên nhân chính khiến rừng bị tàn phá, trong khi chính nghị quyết của Quốc hội đã nhận định rằng “diện tích rừng trồng thay thế tại các công trình thủy điện rất thấp”. Mới có 268 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động mà những vấn đề liên quan đến rừng, đến mưa lũ đã thảm khốc như vừa qua. Vậy khoảng gần gấp đôi số đó (453 dự án gồm cả đang khởi công và chưa xây dựng) nếu mai này đi vào vận hành thì có thiên nhiên nào chịu đựng nổi, hậu quả sẽ còn khủng khiếp đến đâu?
Ở đây sự kiên quyết thôi chưa đủ, mà đã đến lúc phải trả lời được câu hỏi lớn hơn: Chúng ta chấp nhận đánh đổi môi trường và sự an toàn đời sống người dân đến đâu? Cả nước và nhất là miền Trung có chừng đó thủy điện đã nhiều quá chưa?
Vấn đề tiếp theo là trong thực tế việc loại bỏ, dừng bất cứ một dự án nào là công việc đòi hỏi tính pháp lý và chuyên môn rất cao. Đơn cử như làm thế nào chứng minh rằng công trình thủy điện nào đó “không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, có ảnh hưởng xấu tới chế độ dòng chảy, môi trường và đời sống người dân”? Vừa qua mưa lũ ở miền Trung gây thiệt hại rất đau xót khi có tới 43 người chết, 4 người mất tích, 70 người bị thương, trên 400 căn nhà bị sập, hàng trăm nghìn căn nhà bị ngập, 400.000 gia cầm chết, 30.000 gia súc chết... Nhưng quan chức phụ trách lĩnh vực khẳng định rằng: “Qua kiểm tra và các địa phương, các bộ đều báo cáo thủy điện vận hành đúng quy trình”.
Như vậy, để thực hiện yêu cầu nêu trên của Quốc hội, nên thành lập ủy ban điều tra độc lập về các dự án, công trình thủy điện. Luật tổ chức Quốc hội quy định “Khi xét thấy cần thiết, Quốc hội thành lập ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định”. Một ủy ban lâm thời do Quốc hội thành lập với sự tham gia của các bên có liên quan, hoạt động công khai dưới sự giám sát của cử tri chắc chắn sẽ đảm bảo tính khách quan và minh bạch của quá trình điều tra, đồng thời làm rõ địa chỉ của những thủy điện gây tác động tiêu cực, thay vì cách nói “một số” như trong nghị quyết của Quốc hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận