26/10/2013 07:39 GMT+7

Nỗi lo tụt hậu

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Trời Hà Nội dịu mát khi Quốc hội bước vào tuần làm việc đầu tiên. Trái ngược với thời tiết bên ngoài, hàng loạt vấn đề nóng đã được các vị đại biểu đặt lên bàn nghị sự.

Trong số đó, kỳ họp lần này không chỉ có những vấn đề “đến hẹn lại lên” về kinh tế - xã hội như đầu tư dàn trải, bội chi ngân sách, bộ máy hành chính cồng kềnh... Ghi nhận từ phiên thảo luận tổ của Quốc hội trong cả ngày làm việc 24 và 25-10, thấy nổi lên sự trăn trở chung của nhiều vị đại biểu về nỗi lo kinh tế đất nước tụt hậu xa hơn, không chỉ so với các nước phát triển mà ngay trong khu vực.

“Tư lệnh” ngành kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh đã cảnh báo nếu không đổi mới quyết liệt, e rằng tới đây thậm chí còn tụt hậu so với cả Campuchia, Lào?

Những ai ưu tư với vận nước nghe điều này đều thấy đắng lòng.

Không tô hồng, không bôi đen, những số liệu khách quan nêu trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế được trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp có lẽ cũng nói lên nhiều điều. Đó là trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta chậm lại thì một số nước trong khu vực ASEAN đã có sự cải thiện rõ rệt. Cụ thể như Myanmar (tăng từ 5,6% năm 2011 lên 7,6% năm 2012), Campuchia (tăng từ mức 7,1% năm 2011 lên 7,3% năm 2012)...

Lắng nghe cử tri và từ thực tiễn, nhiều vị đại biểu thấu hiểu theo quy luật nghiệt ngã của kinh tế, đằng sau sự tụt lại của một quốc gia là miếng bánh được chia ít hơn trong thế giới hội nhập, là bài toán nan giải về việc làm và an sinh xã hội. Có đại biểu tâm sự rằng không day dứt sao được khi dân ta, vì mưu sinh, đâu phải chỉ tha hương đến các nền kinh tế giàu mạnh hơn như Hàn Quốc, Đài Loan để bán sức lao động..., nhiều người còn bươn chải tận những nước xa xôi của châu Phi.

Nỗi lo “thua kém bè bạn” còn đặt ra vấn đề hệ trọng khác. Nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng: “Trong bối cảnh thế giới ngày nay, nếu đất nước không lớn mạnh nhanh chóng sẽ không có đủ nội lực để bảo vệ chủ quyền quốc gia”.

Nỗi lo của vị lão thành, của đại biểu Quốc hội, phải chăng cũng là của lòng dân?

Và câu chuyện lòng dân được đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đặt ra tại phiên thảo luận (Tuổi Trẻ ngày 25-10), gợi nhớ đến câu nói của người xưa “sức dân như nước”. Không chỉ an dân mà còn phải biết khai phóng sức dân đúng hướng để xoay chuyển tình thế và vượt thoát lạc hậu. Cử tri và Quốc hội đã nghe người đứng đầu Chính phủ khi đề cập kinh nghiệm bước đầu qua ba năm thực hiện kế hoạch, đúc kết rằng: “Trong bối cảnh mới, phải đột phá trong đổi mới tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất”.

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên