18/10/2013 07:35 GMT+7

Không ỷ lại vào viện trợ

HƯƠNG GIANG
HƯƠNG GIANG

TT - Sau 20 năm nhận viện trợ phát triển chính thức (ODA) từ cộng đồng quốc tế, Việt Nam đang phải làm quen dần với vốn vay kém ưu đãi hơn, hay nói cách khác là tiền đi vay sẽ đắt đỏ hơn. Điều đó có ý nghĩa gì với giai đoạn phát triển tiếp theo của Việt Nam?

Tập trung ODA cho hạ tầng, sức khỏe và môi trường...Đắng lòng vì một cách xài vốn ODA

Câu hỏi này đã phần nào được giải đáp ở lễ kỷ niệm 20 năm hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ diễn ra ngày 17-10 tại Hà Nội.

Không ai xa lạ với những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt. Những lợi thế như tài nguyên thiên nhiên, lao động rẻ... từng đưa kinh tế Việt Nam lên ngưỡng thu nhập trung bình hay khiến Việt Nam được nhắc đến nhiều nhất ở các diễn đàn ODA đang mất dần tính cạnh tranh. Đã đến lúc Việt Nam cần tiếp tục đổi mới theo hướng tập trung cho chất lượng tăng trưởng thay vì tăng trưởng theo chiều rộng như trước. Trong quá trình chuyển đổi ấy, việc tiếp nhận, sử dụng ODA cũng phải đổi mới để thúc đẩy tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả và tập trung cho những lĩnh vực đáng ưu tiên nhất.

Rất may, trước khi phải từ biệt những đồng vốn vay với điều kiện ưu đãi kiểu lãi suất 0% và thời gian ân hạn 30 năm, Việt Nam vẫn có thể tận dụng nguồn ODA ưu đãi chưa giải ngân hết của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản lên tới gần 17 tỉ USD. Bà Victoria Kwakwa - giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - tính: nếu giải ngân được 3-4 tỉ USD trong số này mỗi năm cũng đảm bảo nguồn ODA trong vòng 4-6 năm tới. Thêm vào đó, Việt Nam vẫn còn được tiếp cận tài chính ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới thêm một thời gian. Tức hoàn toàn đủ thời gian để Việt Nam chuyển đổi nhịp nhàng sang việc sử dụng nhiều hơn những nguồn tài chính khác bên cạnh ODA truyền thống.

Rất nhiều gợi ý đã được cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế đưa ra cho Việt Nam. Đại sứ Nhật Bản Hiroshi Fukada đề nghị Nhật Bản sẽ vận dụng ODA, trong đó có cả hợp tác kỹ thuật, hỗ trợ Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển nguồn nhân lực và phát triển cơ sở hạ tầng trong những năm tới. Đại sứ Franz Jessen của Liên minh châu Âu (EU) - một trong các đối tác ít ỏi còn duy trì ODA cho Việt Nam tới tận năm 2020 - khẳng định EU sẽ sát cánh với người dân Việt Nam trong việc cải cách thể chế để khắc phục các thách thức hiện nay. Đại sứ Hàn Quốc Jun Dae Joo bày tỏ hi vọng sẽ chia sẻ kinh nghiệm để giúp Việt Nam nhanh chóng chuyển từ một nước nhận viện trợ thành nước viện trợ tương tự như Hàn Quốc đã làm.

Đúng như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh nói với các nhà tài trợ, việc tỉ trọng vốn vay thương mại tăng lên không phải đáng lo ngại, mà quan trọng hơn là Việt Nam từ bỏ tâm lý ỷ lại vào viện trợ và tranh thủ thời gian quá độ của ODA hiện nay để “tập dượt” việc sử dụng phối hợp các nguồn lực khác nhau của quốc tế cho quá trình phát triển của chính mình. Với nhận thức đó và được sự ủng hộ “bằng cả trái tim” - lời của đại sứ Hàn Quốc - từ các đối tác phát triển, có thể lạc quan tin rằng Việt Nam sẽ thực hiện được đúng cam kết mà người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhiều lần khẳng định với các đối tác phát triển: “Việt Nam luôn trân trọng và sử dụng hiệu quả từng đồng vốn ODA”.

HƯƠNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên