Từ năm 2007, Thủ tướng đã có ban hành quyết định về quy chế phát ngôn báo chí, và mới đây Thủ tướng cũng ban hành quyết định về quy chế mới với nhiều điểm bổ sung. Tuy nhiên, nhìn lại thực tế trong những năm qua, tác động của quy chế này đối với cuộc sống còn rất hạn chế. Nói một cách cụ thể hơn là việc thực thi quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí chưa được các cơ quan nhà nước chấp hành một cách nghiêm chỉnh.
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy nỗi niềm lớn nhất của các nhà báo là không dễ có được thông tin chính thống, đầy đủ từ những người có trách nhiệm trong các cơ quan nhà nước. Mỗi khi có sự kiện xảy ra, nhà báo thường phải vận dụng hết khả năng quan hệ cá nhân để nhận được những thông tin có giá trị, không mấy ai hi vọng rằng quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực trên con đường tìm kiếm sự thật!
Thực tế không chỉ dừng lại như vậy. Thực tế còn nói rằng im lặng hoặc né tránh đang là thứ vũ khí đầy hiệu quả để đối phó giới truyền thông, nhất là liên quan tới các vụ việc tiêu cực. Nhiều nơi người ta làm tất cả mọi biện pháp, từ lịch sự đến thô bạo để không nói, không tiếp xúc các phóng viên và ngăn ngừa báo chí tiếp cận với bất cứ nguồn tin nào. Hậu quả là các nhà báo nhiều khi phải thúc thủ trước những sự việc đáng ra phải được công bố, tệ hơn nữa là đưa ra những bài viết hời hợt, không đủ thông tin đáng tin cậy, đó là chưa kể viết sai sự thật gây bức xúc trong dư luận.
Trong thời đại ngày nay, thông tin luôn diễn ra dồn dập từng giờ, từng ngày trên đủ các phương tiện, với không ít các quan điểm đôi khi rất khác biệt. Tình hình như vậy đòi hỏi những người có trách nhiệm phải phản ứng nhanh nhạy, chính xác, đảm bảo cho thông tin được đưa ra một cách đúng đắn, kịp thời, không gây tác động xấu trong xã hội.
Bài học về bún “phát sáng” ở TP.HCM là rất đáng suy nghĩ. Trong trường hợp này, các cơ quan chức năng đã biết khá sớm, nhưng không có động thái tích cực để nhanh chóng kết luận công khai, cuối cùng sự việc lại do một tổ chức xã hội công bố, khiến dư luận hoang mang.
Hay vụ Cù Huy Hà Vũ cũng là một vụ rất đáng tiếc về việc cung cấp thông tin từ phía các cơ quan chức năng. Trong khi các trang mạng “lề trái” liên tục lan truyền về việc ông Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực trong tù vì bị ngược đãi thì báo chí cả nước lại im lặng bởi không nhận được thông tin. Cho đến khi cơ quan công an mở cửa tạo điều kiện cho báo chí tiếp xúc với chính ông Cù Huy Hà Vũ và những người trong cuộc thì dư luận lúc đó mới hiểu rõ được bản chất của vấn đề.
Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí là tiến trình dân chủ, thể hiện tinh thần công khai, minh bạch. Nhưng hiệu lực của quy chế vẫn còn thấp, làm sao để quy chế này thật sự đi vào cuộc sống vẫn đang là câu hỏi lớn đầy băn khoăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận