Đây là trường hợp rất hạn hữu với một dự luật đã được Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình nghị sự, Chính phủ đã biểu quyết nhất trí nhưng lại không vượt qua được “vòng loại”, đành phải gác lại để chuẩn bị tiếp.
Điểm mấu chốt nhất của dự án Luật hộ tịch chính là số định danh cá nhân, được Bộ trưởng Hà Hùng Cường giải thích: “Số định danh cá nhân chỉ được cấp một lần duy nhất cho cá nhân, được ghi vào sổ bộ hộ tịch, trích lục hộ tịch và giấy tờ khác theo quy định của pháp luật. Về bản chất, số định danh cá nhân được coi như chìa khóa để tra cứu thông tin cá nhân, phân biệt người này với người khác”.
Hiểu nôm na là thế này: cuộc đời một con người gắn với nhiều loại giấy tờ, đầu tiên là khai sinh, rồi hộ khẩu, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, mã số thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe... Hiện nay ở ta, cứ lĩnh vực nào thì lĩnh vực ấy tự nghĩ ra ký hiệu, mã số của họ chứ không kết nối sang với lĩnh vực khác. Ngay đến số chứng minh nhân dân của mỗi người cũng không duy trì suốt đời mà cứ mỗi lần đổi dân lại có một số mới. Và chỉ thay đổi số chứng minh nhân dân thôi cũng gây rắc rối cho nhiều ngành như bảo hiểm xã hội, thuế, ngân hàng... Việc phát hiện hàng trăm nghìn thẻ bảo hiểm y tế cấp trùng vừa qua chắc hẳn có nguyên nhân từ sự rối rắm này.
Theo thống kê của Chính phủ, hiện mỗi người VN đang phải “cõng” trên 20 loại giấy tờ với các mã số, ký hiệu khác nhau. Vì vậy, chủ trương về một mã số cá nhân dùng chung cho tất cả các loại giấy tờ, sau này sẽ được tích hợp nhiều thông tin chỉ trong một tấm thẻ căn cước điện tử - là một ý tưởng mang tính cách mạng.
Nhưng Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã không trả lời được câu hỏi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng: hộ tịch có thay thế được các giấy tờ khác không, có mã số công dân thì những loại giấy tờ nào sẽ bị hủy bỏ và bao giờ người dân trút bỏ được gánh nặng giấy tờ? Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu và nhiều bộ trưởng là thành viên, để thực hiện đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu về dân cư đến năm 2020 với mục tiêu cấp số định danh cá nhân cho gần 90 triệu dân. Nhưng, khi biểu quyết trình dự án Luật hộ tịch, Chính phủ lại quyết định cho tồn tại cả hộ tịch (do Bộ Tư pháp quản lý) và hộ khẩu (do Bộ Công an quản lý).
“Hộ tịch cũng quản lý con người, hộ khẩu cũng quản lý con người, tại sao lại có cả hộ tịch và hộ khẩu do hai ngành quản lý?” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi và đây cũng là câu hỏi khó với Bộ trưởng Hà Hùng Cường.
Xin chia sẻ với nỗi buồn của Bộ trưởng Hà Hùng Cường khi ông lặng lẽ xách cặp đi về sau cuộc họp, bởi ông là người rất tâm huyết với dự luật này và đã dành không ít thời gian cho nó. Ông không trả lời được những câu hỏi như trên cũng là điều dễ hiểu, một khi những người đồng cấp của ông đang quản lý các lĩnh vực khác chưa từ bỏ được tư duy cát cứ bị ràng buộc bởi một thứ lợi ích nào đó hoặc đơn giản là chưa sẵn sàng cho cái mới.
Cái mới không phải bao giờ cũng dễ được chấp nhận, cho dù cái mới “mã số cá nhân” đã được đa phần thế giới sử dụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận