Tại hội nghị do Mặt trận tổ chức ngày 31-7 ở Hà Nội, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu khá nhiều vấn đề, trong đó đã đề xuất một ý kiến đúng như bà nói là “mạnh dạn”: đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu để bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Một số lý do chính yếu bà đưa ra rất có căn cứ: “Kỳ thi nào cũng đỗ 99%, 100% thì cần gì phải thi nữa”. Và “hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học cách nhau gần quá, khổ cực cho người học, gia đình, nhà trường, địa phương” (Tuổi Trẻ 1-8-2013).
Đề nghị nghiêm chỉnh nói trên rất đáng được nghiên cứu thấu đáo và rất cần được ủng hộ. Thật ra từ năm, sáu năm nay trên báo chí và trong một số cuộc hội thảo đã có một số người đề xuất ý này, nhưng không được những vị có trách nhiệm quan tâm. Có lẽ vì điều kiện chưa chín muồi chăng?
Chẳng cần sâu sắc lắm cũng thấy các con số đẹp 99%, 100% nói trên chứa đựng nhiều nghịch lý. Chất lượng của học sinh sau 12 năm học tập còn thấp, nhưng kết quả thi tốt nghiệp cứ “như mơ”. Các cấp quản lý giáo dục luôn khẳng định quyết tâm “trung thực với dân với Đảng”, nhưng quyết tâm ấy nhanh chóng bị tan biến bởi căn bệnh “thành tích” thâm căn cố đế. Áp lực vô hình này có sức mạnh khủng khiếp.
Giáo viên phải thuận theo nếu không muốn bị đánh giá là yếu chuyên môn, thiếu trách nhiệm. Lãnh đạo trường, lãnh đạo sở phải tuân thủ để “giữ uy tín, danh dự cho trường, cho địa phương”. Nghịch lý còn ở chỗ cứ “đến hẹn lại lên”, mỗi gia đình có con đi thi cũng như ngân sách của ngành giáo dục phải chi phí một khoản đáng kể cho một kỳ thi chưa tổ chức đã biết trước kết quả. Tại sao “cục nợ” này cứ mãi đè nặng trên lưng chúng ta? Nếu không bị vướng cản bởi sức ì này, chúng ta đã có thể đổi mới từ lâu như rất nhiều nước trên thế giới đã đổi mới.
Để hiện thực hóa đề nghị của Phó chủ tịch nước, cần tổ chức chặt chẽ hơn việc dạy và học ở các trường để thật sự nâng cao chất lượng đào tạo. Từ đó có thể tiến hành việc kiểm tra học kỳ một cách nghiêm túc. Kết quả kiểm tra của sáu học kỳ trong toàn cấp THPT, đặc biệt kết quả của năm học cuối cùng (lớp 12) sẽ là căn cứ để cấp giấy chứng nhận hết cấp cho học sinh. Bộ và các sở GD-ĐT sẽ tập trung vào việc thanh tra, giám sát trong suốt các năm học cũng như vào khâu phúc tra cuối cùng.
Đáng mừng là mấy năm nay việc tổ chức thi và chấm thi đại học, cao đẳng khá nghiêm túc. Sắp tới nếu chỉ còn một kỳ thi tuyển này, việc tổ chức thi càng cần phải chu đáo hơn. Dù các trường, nhất là các trường đại học công lập mới mở và một số trường tư thục chưa đủ mạnh, có được trao quyền tự chủ thì vai trò chỉ đạo, trọng tài của bộ vẫn phải được coi trọng, để tránh tình trạng tuyển sinh theo kiểu “vơ quàng vơ xiên”, miễn sao cho đủ chỉ tiêu.
Điều cuối cùng, quan trọng và có ý nghĩa quyết định hơn cả: Bộ GD-ĐT cần khẩn trương hoàn thành đề án “Đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT” để sớm lấy ý kiến của ngành giáo dục và rộng ra của những ai quan tâm đến tương lai đất nước trước khi trình Quốc hội. Việc thi cử là ngọn, là hệ quả tất yếu của quá trình đào tạo. Cái gốc chính là phải xác định thật đúng mục tiêu giáo dục, để từ đó có thể phân tầng phân cấp các ngành học, tiến hành xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa.
Có giải quyết đúng đắn những vấn đề cơ bản và thiết cốt ấy mới hi vọng tạo ra sự chuyển biến quyết định cho ngành giáo dục, mới có cơ sở để nước ta phấn đấu “sánh vai với cường quốc năm châu” như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như khát vọng lâu nay của cả dân tộc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận