Tuy nhiên, ban tổ chức không cho rút lui mà loại đội này khỏi giải. Cách đây khoảng hai tuần, đội U-13 của PVF cũng kiện tụng ì xèo vì bị ban tổ chức Giải bóng đá U-13 quốc gia loại khỏi giải khi cho rằng một cầu thủ của đội này khai gian tuổi.
Nói đến nạn gian lận tuổi tác trong các giải thể thao trẻ, đã một thời nó là chuyện nóng trên các mặt trang báo chí thể thao. Những câu chuyện cười ra nước mắt như cầu thủ 13 tuổi mà trước khi thi đấu phải ngồi cạo lông tay lông chân lẫn ria mép, rồi anh mang tên em, rồi cầu thủ 15 tuổi mà ai hỏi học lớp mấy, cha mẹ tên gì cũng chỉ một câu trả lời là “không biết” (vì xài giấy người khác mà)... là những câu chuyện mà tôi sưu tầm được trên các báo cách đây khoảng chục năm. Ngày ấy, chuyện gian lận nhiều đến độ mỗi lần có giải thiếu niên nhi đồng là nóng rực các trang báo, và lôi cả những nhà khoa học vào cuộc như là đo tuổi xương, kiểm tra lông mu để xem có lố tuổi sinh học hay không, do hồ sơ các cháu dự giải đã được người lớn làm quá hoàn hảo!
Bẵng đi một thời gian, không còn thấy chuyện “nhi đồng cụ” xuất hiện trên báo nữa, tôi cứ tưởng rằng các giải thể thao thiếu niên - nhi đồng đã dẹp mất rồi. Và tự nhủ như thế là điều hay, là văn minh như thiên hạ. Bởi theo dõi thông tin quốc tế, được biết đối với những nước tiên tiến, người ta đã dẹp bỏ việc tổ chức những giải đấu thể thao dành cho con nít từ rất lâu rồi. Người ta cho rằng với trẻ em thì chỉ nên tổ chức những ngày hội (festival) nhằm gây men niềm đam mê, chứ không nên tổ chức thi đấu tranh giải, không bày cho con nít làm quen cái việc thắng - thua. Bởi từ đó, nó sẽ tạo ra nhiều điều không hay cho trẻ trong việc hình thành nhân cách. Ngay như ở Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal, được biết cũng đã học theo như các lò đào tạo khét tiếng tại châu Âu là Ajax (Hà Lan), La Masia (Tây Ban Nha) là dứt khoát không tham gia thi đấu khi chưa quá 16 tuổi.
Vậy mà, đùng một cái giờ đây lại thấy xảy ra liên tiếp hai vụ ồn ào ở giải U-11 và U-13, thì tôi mới biết những giải đấu này vẫn còn tồn tại. Chắc chắn những gì đã xảy ra sẽ làm cho các em nhỏ ở “lò” VPF bị những chấn thương về tâm lý.
Không hiểu sao ở nước mình người ta lại yêu thích cái sự thắng - thua như vậy. Trước đây, một cậu bé ở Huế đi dự một hội trại ở Trung Quốc. Khi về, cậu bé khoe một cái huy chương màu vàng và kể rằng tại đấy người ta thi đấu bóng bàn, xong thì trao cho em cái này. Nghe có chuyện thi đấu bóng bàn, rồi có chiếc HCV, thế là nhiều người hô toáng lên là cậu bé đoạt HCV bóng bàn thiếu niên Trung Quốc mở rộng. Thế là một tài năng thật rồi! Nhiều báo đổ xô vào đưa tin rầm rộ. Nhưng cuối cùng thì cũng có người nói ra sự thật: đó chỉ là một kỷ niệm chương mà cậu bé nào cũng có, khi tham gia thi đấu bóng bàn ở hội trại!
Không chỉ trong thể thao, cái sự yêu thích thắng - thua nó hiện diện khắp nơi, kể cả trong giáo dục. Vở sạch chữ đẹp cũng thi để phân thắng - thua, bất cứ phong trào gì cũng thi để có thắng có thua... Cái sự thắng - thua ấy liên quan đến cả người lớn. Và người lớn thì có lắm chiêu trò để hòng giành phần thắng. Và những chiêu trò ấy nó sẽ nhiễm vào trẻ, gây nên tác hại khôn lường...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận