Về cơ bản, năm học này đã kết thúc suôn sẻ. Kỳ thi tốt nghiệp THPT được dư luận xã hội đánh giá tích cực về nhiều phương diện (việc tổ chức - chỉ đạo, sự đổi mới bước đầu việc ra đề, nhất là môn văn...), các kỳ thi ĐH-CĐ tiếp sau đó nhìn chung “xuôi chèo mát mái”, 55% giáo viên ngành mầm non đã được đưa vào biên chế. Tất nhiên còn phải cố gắng nhiều hơn nữa về việc xây dựng cơ sở vật chất, nhưng con số 86.000 phòng học, 22.600 phòng ở công vụ được xây mới ở các địa phương cũng làm những ai quan tâm đến giáo dục bớt đi đôi phần bức xúc.
Thế nhưng, một lần nữa lãnh đạo Bộ GD-ĐT lại làm nhiều người ngỡ ngàng về một vài chủ trương và quyết định “lạ”. Đó là quan điểm chỉ đạo việc chấm thi tốt nghiệp THPT. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã khẳng định: “Tỉnh thành nào có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp quá cao hoặc cao hơn năm trước thì bị hạ một bậc thi đua” (Tuổi Trẻ 21-7-2013).
Để giải đáp rõ hơn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã “bật mí” một bí mật mà theo ông thuộc diện tuyệt mật: lãnh đạo bộ và giám đốc các sở GD-ĐT trước đó đã có hai cuộc họp, “đi đến quyết tâm chiến lược là phải trung thực với dân, với Đảng”. Để cụ thể hóa quyết tâm chính đáng ấy, hội nghị đã thống nhất “tỉ lệ tốt nghiệp không được vượt quá tỉ lệ tốt nghiệp của những năm trước đó” (báo đã dẫn). Cứ đà này, tôi ngờ không lâu nữa, qua báo chí bà con ta sẽ được đọc những tin đại loại như: ngành thể thao hạ quyết tâm chiến lược là “kỷ lục của các vận động viên hàng đầu năm sau không được cao hơn năm trước”, với ngành nông nghiệp thì “năng suất, sản lượng vụ sau không được hơn vụ trước...”. Và ở quy mô nhà nước, “GDP năm nay dứt khoát không được vượt trội so với năm qua”.
Chỉ cần có năng lực tư duy tối thiểu, ai cũng thấy những giả định vừa nêu trên là không thể chấp nhận được, đơn giản vì đó là một thứ logic rất phi logic. “Phải trung thực với dân với Đảng”, đó là vấn đề mang tính nguyên tắc cả về đạo lý và pháp lý, chẳng có gì để phân vân. Thế nhưng, để đạt yêu cầu đó trong việc chỉ đạo thi cử không thể quy về một việc làm đơn giản, hình thức: khống chế tỉ lệ tốt nghiệp.
Những việc cơ bản cần làm là gì? Là thông qua các sở GD-ĐT, bộ chỉ đạo sát sao việc dạy và học trong suốt năm học; là tổ chức sao cho khoa học, nghiêm túc việc thi và chấm thi; là tiến hành phúc tra vừa rộng vừa sâu kết quả chấm thi của các địa phương; là xử lý thật nghiêm những hiện tượng gian lận thi cử, chứ không kỷ luật theo kiểu “mưa phùn gió nhẹ” như lâu nay vẫn làm. Có những địa phương cần được thanh tra kỹ lưỡng hơn: những nơi kết quả tốt đến mức khó tin, từ tỉ lệ đỗ rất thấp vọt lên ngất ngưởng tốp đầu. Ông giám đốc Lê Hồng Sơn, đại diện ngành giáo dục TP.HCM, đã bày tỏ trong hội nghị tổng kết: “Vì sao cắt cờ thi đua của ngành giáo dục TP.HCM - đơn vị duy nhất đạt 14/14 chỉ tiêu thi đua? Có phải vì lý do tốt nghiệp của TP.HCM cao hơn năm trước 0,76%?”. Và ông đoan quyết “khâu coi thi, chấm thi, thanh tra của TP.HCM rất nghiêm túc, đánh giá rất khách quan bài thi của học sinh” (báo đã dẫn). Đã có thắc mắc, phải được giải đáp. Đã muốn trung thực với dân với Đảng, phải làm cho căn cơ, triệt để những gì cần làm. Nơi nào tỉ lệ đỗ tăng có cơ sở khoa học (kết quả của một quá trình lao động đầy trách nhiệm của cả thầy và trò) thì phải khen. Ngược lại, nơi nào có con số đẹp nhưng ảo - hệ quả của bệnh thành tích cố hữu thì phải nghiêm trị, bất kể người sai phạm là giáo viên hay cán bộ quản lý.
Sự chỉ đạo của các vị lãnh đạo Bộ GD-ĐT trong vụ việc này rõ ràng không ổn. Cũng không ổn như một số quyết định khác gần đây từng bị dư luận rộng rãi phản ứng: việc tập huấn một văn bản khá đơn giản cũng huy động đủ đại diện 63 tỉnh thành, tốn thời gian, công sức của nhiều người, còn Nhà nước thì tốn bạc tỉ; việc có quy chế ưu đãi cho cán bộ tiền khởi nghĩa và các bà mẹ VN anh hùng nếu các vị đó đi thi tuyển đại học...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận