18/07/2013 07:43 GMT+7

Để đừng "quyết rồi rút"!

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Một lần nữa một quy định cấp bộ (cộng điểm thi đại học cho mẹ Việt Nam anh hùng) vừa được ban hành xong lại bị rút vì bị dư luận phản ứng cho là phi lý!

Tháng trước cũng vào giờ này, quy định “không xây dựng các công trình theo hướng nhại cổ kiểu kiến trúc cổ điển Pháp - châu Âu” cũng được rút. Mới tuần trước, dư luận um sùm vì vụ “muốn làm giấy khai sinh cho đứa con thứ 3, thứ 4 của mình, người dân “tự nguyện” nộp 1-1,5 triệu đồng”...!

Danh sách những vụ “quyết rồi lại rút” cứ ngày càng dài. Còn nhớ vụ cấm “người thấp bé, nhẹ cân (chiều cao đứng dưới 1,45m, trọng lượng dưới 40kg) không được đi xe máy trên 50 cc”; sau đó chưa chịu dừng, lại “vẽ” thêm: cấm “người có vòng đo ngực trung bình dưới 72cm không được cấp bằng lái hạng A1, tức cũng không được đi xe trên 50 cc...”; cách đây không lâu “chỉ được bán thịt trong vòng 8 giờ giết mổ”… Cứ như thể một căn bệnh lây lan từ bộ này sang bộ khác!

Cấp bộ thi nhau “quyết“ đã đành, đến cấp địa phương cũng thoải mái “quyết” theo. Mới tháng 12 năm ngoái, Sở VH-TT&DL TP.HCM còn muốn “quyết” rằng “nhà hàng chỉ tổ chức tiệc cưới khi có giấy đăng ký kết hôn để tránh xảy ra tình trạng tổ chức đám cưới giả và cũng nhằm bảo vệ quyền lợi hai bên nam nữ“ trong khuôn khổ bộ “tiêu chuẩn xây dựng nhà hàng, tiệc cưới văn hóa giai đoạn 2012-2015 trên địa bàn TP.HCM”. Trước đó vào tháng 9, Hà Nội cũng muốn quyết định “đảng viên tổ chức tiệc cưới không được quá 300 người, tương đương 50 mâm cỗ; không tổ chức cưới ở khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp“!

Thiết nghĩ, không thể “đơn giản” chấp nhận kéo dài miết tình trạng “quyết rồi rút” này. Trên một bình diện quản trị nhà nước, không đơn giản cứ tiếp tục ra quyết định, nếu kẹt thì rút lại, rồi xoa tay! Sẽ là “liều lĩnh” nếu không nhìn thấy rằng những quyết định kiểu đó chính là “chọc giận” và “chọc cười” dân chúng, và là điều tối kỵ trong thời đại có các mạng xã hội. Tất nhiên, không phải quyết định nào của Nhà nước cũng đều không hạp lòng dân, cũng như ngược lại không phải phản ứng dư luận nào cũng hợp tình, hợp lý. Song nhất định những “thợ vẽ quyết định” phải luôn tâm niệm rằng công việc mà họ được giao không chỉ là giải quyết sự vụ chuyên biệt đó, mà còn can hệ đến tính ổn định của xã hội trong ý nghĩa đừng “chọc giận“ hay “chọc cười” dân chúng vì tính phi lý hoặc không chính đáng của các quyết định mà họ “vẽ” ra. Mỗi vụ “quyết rồi rút” đó đều gây khủng hoảng dư luận, tạo bức xúc không cần thiết, và khi “quyết rồi rút” không thể không đặt câu hỏi: Phải chăng đây là những dấu hiệu liên tiếp cho thấy bộ máy vốn từ lâu đã được xem là kềnh càng, nay lại phải được xem là thiếu… hữu dụng?

Thiết nghĩ đã đến lúc cần kiên quyết chế tài những ai liên quan đến “quyết rồi rút”, không chỉ vì sự phi lý của những vẽ vời của họ, mà vì tạo khủng hoảng dư luận không cần thiết. Tất nhiên, ai cũng có “quyền được sai”, song những ai liên quan đến việc quyết định chính sách không thể cứ liên tục có “quyền được sai”. Không thể thoải mái phung phí uy tín, hình ảnh và ngân sách nhà nước bằng sự cẩu thả trong lập dự án.

Một lái xe có thể bị giữ bằng lái 30 ngày chỉ với lỗi “đậu xe cách lề đường trên 25cm”, huống hồ là những người có trách nhiệm ra quyết sách, và mặc nhiên phải có trách nhiệm bảo vệ uy tín Nhà nước. Không lẽ cứ hưởng lương và bổng lộc mà cứ thoải mái xem uy tín Nhà nước và lòng dân như “chuyện đùa” một cách vô tội vạ miết?

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên