Cùng thời điểm này, bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long vừa thu hoạch xong vụ hè thu, lúa đầy bồ nhưng lòng nặng trĩu âu lo trước tình trạng đã trở thành điệp khúc: được mùa, rớt giá.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 27-6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát thừa nhận “vấn đề đang đặt ra hiện nay là sản xuất vẫn đạt cao về số lượng nhưng giá lại giảm, giá gạo trên thị trường thế giới giảm tới 12%...”.
Chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo đã được triển khai nhưng cũng không giúp đẩy giá lúa lên được. Giá mua lúa thê thảm đến mức có người ví lúa rẻ như... rơm. Với người trồng lúa, mục tiêu có lãi 30% như Chính phủ đề ra vẫn xa vời vợi.
Ở một góc nhìn khác, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh cho rằng: “Những khó khăn trong ngành nông nghiệp còn do yếu tố chủ quan trong chỉ đạo, điều hành. Ví dụ gạo chúng ta xuất khẩu 24 năm mà không có thương hiệu. Trong sản xuất lúa gạo cứ làm tự phát, thiếu chiến lược. Nông dân trồng trọt, chăn nuôi theo kiểu hên xui”.
“Tự phát” được coi là một trong những đặc tính của người nông dân. Bởi vậy họ mới cần được trợ giúp, cần quy hoạch, chiến lược, tầm nhìn từ phía Nhà nước. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vì thế được Thủ tướng yêu cầu phải triển khai quyết liệt. “Mỗi năm chúng ta bỏ hàng tỉ USD mua ngô, khô đậu về làm thức ăn chăn nuôi. Nếu chúng ta thấy trồng ngô có hiệu quả tốt hơn trồng lúa thì chuyển sang trồng ngô” - Thủ tướng gợi ý.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng cho rằng “nếu thấy xuất khẩu có hiệu quả thì tiếp tục, không có hiệu quả thì thôi”. Phấn đấu để trở thành quốc gia xuất khẩu lúa gạo đứng hàng thứ nhất, thứ hai thế giới mà người nông dân vẫn nghèo thì danh hiệu thứ nhất, thứ hai ấy cũng chẳng để làm gì. Cày sâu cuốc bẫm trên cánh đồng, lúa gạo đầy bồ nhưng đời sống của người nông dân thì vẫn cứ chật vật, nghèo khó.
“Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn; nông dân được đào tạo có trình độ ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao...” - Tổng bí thư nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Đại hội VI Hội Nông dân.
Mục tiêu ấy thật tốt đẹp, nhưng nó có thể trở thành hiện thực hay không và bao giờ trở thành hiện thực? Câu trả lời phụ thuộc vào kế hoạch và bước đi cụ thể của Chính phủ trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận