Lúc bấy giờ, một vị lãnh đạo thành phố đã có tuyên bố làm nức lòng người: “Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận các thủ khoa đại học vào biên chế các cơ quan nhà nước, dù thủ khoa đó hộ khẩu ở bất kỳ tỉnh nào”...
Thời gian trôi nhanh và làm xuất hiện những số liệu thống kê biết nói. Tính bình quân từ năm 2003 đến nay, số người được tuyển mới vào bộ máy nhà nước nói chung ở Hà Nội chỉ đạt xấp xỉ 10% so với số lượng thủ khoa xuất sắc được thành phố tuyên dương.
Hơn nữa, số người được thu hút, tuyển dụng mới thường tập trung ở khối văn hóa, thể thao, trong khi những ngành, lĩnh vực trọng điểm như khoa học, công nghệ, quy hoạch, kiến trúc, giao thông đô thị, di sản văn hóa, công nghệ thông tin đang rất cần nhân lực có trình độ chuyên môn cao thì thành phố chưa thu hút được.
Với tỉ lệ khiêm tốn và cơ cấu thu hút, tuyển dụng nêu trên, dù lạc quan đến mấy cũng không thể đánh giá rằng chủ trương thu hút nhân tài của Hà Nội đã đạt yêu cầu. Đó là chưa bàn đến vấn đề thu hút xong rồi có giữ chân và sử dụng nhân tài lâu dài được hay không?
Nhìn rộng ra, đây chắc không chỉ là câu chuyện của Hà Nội, khi mà hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước nhiều năm nay đã ban hành chính sách “trải thảm đỏ”. Bằng kinh nghiệm của một người làm công tác nhân sự lâu năm, ông Nguyễn Đình Hương (nguyên phó trưởng Ban Tổ chức trung ương) từng nói rằng cần thiết hoan nghênh những điểm sáng, ví dụ Đà Nẵng và TP.HCM đi đầu trong các tỉnh thành cả nước về thực hiện chiến lược đào tạo cán bộ trẻ chất lượng cao bằng ngân sách địa phương...
Nhưng chừng nào nạn chạy chức chạy quyền, chạy biên chế vẫn gây bức xúc trong xã hội thì chừng đó tài năng không dễ có chỗ đứng trong bộ máy. Chẳng phải Hà Nội là một trong những nơi đi đầu trong phong trào “chiêu hiền đãi sĩ”, nhưng cũng là nơi một vị đại biểu HĐND từng phát biểu về việc chạy biên chế không dưới 100 triệu đồng hay sao?
Lần này Hà Nội tiếp tục hoàn thiện chính sách thu hút nhân tài bằng việc xây dựng một dự thảo nghị quyết với nhiều chế độ đãi ngộ đặc biệt, đơn cử như chính sách đãi ngộ thu hút một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu, được ưu tiên thuê nhà, mua nhà... Đó là những sự đãi ngộ mà ai ở trong diện thu hút cũng ít nhiều cảm thấy ấm lòng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhu cầu của người có tài năng không chỉ là các yếu tố vật chất như thu nhập, nhà ở, mà quan trọng hơn là được bố trí sử dụng và có môi trường làm việc, phát triển đúng với khả năng của mình. Cho nên chính sách “cầu hiền” thời nay rõ ràng nếu chỉ có lương cao là chưa đủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận