Theo tôi, để soạn được một đạo luật khả dĩ nhằm giải quyết vấn đề đang bức xúc, phức tạp này thì phải trả lời rõ được bốn câu hỏi. Thứ nhất, có tiếp công dân không? Thứ hai, tiếp công dân để làm gì? Thứ ba, làm thế nào để tiếp công dân? Thứ tư, ai tiếp? Tiếp công dân không phải là tiếp khách bình thường, pha trà mời nước là xong, mà tiếp phải gắn với quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm theo luật định.
Quay về quá khứ, chúng ta thấy rằng do dân bức xúc quá, bức xúc dồn nén lại nên mới có cảnh thôn kéo lên xã, xã kéo lên huyện, huyện kéo ra tỉnh, tỉnh kéo ra trung ương. Tại sao vậy? Lẽ ra người ta chỉ cần gửi đơn đúng nơi quy định, giải quyết xong rồi thôi. Nhưng việc giải quyết ở nhiều nơi không thấu tình đạt lý, thiếu trách nhiệm, vô cảm trước bức xúc của dân, khiến dân không còn tin những cán bộ giải quyết khiếu nại, tố cáo nữa. Vậy là người ta kéo ra trung ương, đi từng đoàn đông người để gây áp lực. Trước tình trạng này, năm 2009 Thủ tướng mới ban hành quyết định 858 thành lập trụ sở tiếp dân ở trung ương.
Như vậy, có thể nói rằng việc tổ chức ra những nơi tiếp công dân để người ta đến kiến nghị, phản ảnh, khiếu nại, tố cáo là hết sức cần thiết và cần phải làm. Nhưng vì chưa trả lời được những câu hỏi như trên nên thiết kế dự luật mới có nhiều bất cập: quy định quyền, đòi tư cách pháp nhân cho trụ sở tiếp công dân; đặt ra vị trí cho người phụ trách trụ sở tiếp công dân mà không rõ chức danh của người đó là gì (trưởng cơ quan đại diện? Trưởng trụ sở?...). Thử hỏi, với một trụ sở có đại diện của sáu cơ quan (gồm Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thanh tra Chính phủ) ngồi chung thì tại sao lại có con dấu, tài khoản riêng?
Theo tôi, dự luật này cần phải làm rõ căn bản giữa việc tiếp công dân thường xuyên gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước với việc tiếp công dân định kỳ để giải quyết những vấn đề nổi cộm. Ví dụ, dân đến HĐND, UBND có nghĩa là người ta đến cơ quan công quyền thì phải thường xuyên tiếp nhận, giải quyết. Nhưng ở một địa phương đang gặp vấn đề khiếu kiện đông người về đất đai, phát sinh một “điểm nóng” nào đó thì trước hết người dân đến trụ sở tiếp công dân gặp bộ phận tiếp dân thường trực ở đây, bộ phận này phải có trách nhiệm tiếp nhận, nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết, đồng thời giải thích cho dân rõ. Sau đó mới hẹn ngày mời ông chủ tịch UBND ra tiếp dân, đối thoại, giải quyết dứt điểm mới đạt hiệu quả. Đối với lãnh đạo, việc nhiều phải tiếp dân nhiều, để tồn đọng nhiều phải giải quyết nhiều, chứ quy định mỗi tháng ông chủ tịch phải ra trụ sở ngồi một ngày chờ dân đến thì không đúng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận