Bà là vợ của ông Lê Quốc Dũng (nhân vật trong bài “Chết vẫn chưa được bồi thường oan sai” - người đã bị Viện KSND Q.Gò Vấp ra cáo trạng truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Sau khi điều tra, tạm giam ông Dũng 5 tháng, cấm đi khỏi nơi cư trú gần một năm mà vẫn không chứng minh được hành vi phạm tội của ông, Viện KSND Q.Gò Vấp đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can và điều tra vụ án.
Đầu năm 2012, ông Dũng làm đơn yêu cầu Viện KSND Q.Gò Vấp bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần do việc bắt ông gây nên, nhưng đến nay khi ông Dũng đã chết gần một năm, vợ và con trai ông thay nhau gõ cửa khắp nơi yêu cầu bồi thường để lấy lại danh dự cho ông nhưng vẫn chưa được giải quyết. Câu chuyện của ông Dũng chỉ là một trong hàng trăm trường hợp đang mòn mỏi chờ Nhà nước bồi thường do hành vi sai trái của cán bộ, công chức nhà nước gây nên.
Theo Bộ Tư pháp, có rất nhiều trường hợp người dân yêu cầu bồi thường thiệt hại đã kéo dài từ năm này qua năm khác mà các cơ quan thừa nhận rất khó giải quyết. Có trường hợp dân yêu cầu bồi thường lên đến vài chục tỉ đồng, cũng có trường hợp chỉ yêu cầu bồi thường hai con heo. Khó giải quyết vì tính chất phức tạp của vụ việc, liên quan đến nhiều cơ quan cùng một lúc, khó giải quyết cũng vì việc bồi thường là thừa nhận sai phạm, thừa nhận Nhà nước có lỗi với dân.
Cũng theo báo cáo tại hội nghị, 10 năm trước khi có luật, số tiền thi hành bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức nhà nước gây ra khoảng 18 tỉ đồng. Trong khi đó, sau ba năm thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, số vụ và tiền bồi thường đã tăng lên 23,2 tỉ đồng. Có thể đó là tín hiệu cho thấy luật đang dần đi vào cuộc sống nhưng cũng là điều đáng buồn khi những con số ấy càng lớn cũng có nghĩa sai phạm của cán bộ nhà nước càng nhiều.
Nhiều người trong các cơ quan nhà nước băn khoăn về hiệu quả của việc thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Bởi ngoài sự oan sai mà người dân đã gánh chịu, họ còn phải mỏi mòn để được trả lại sự công bằng, lẽ phải. Vì vậy, giữa việc đong đếm từng đồng khi bồi thường, hoặc đề xuất mở lớp tập huấn kỹ năng đàm phán với dân để giảm số tiền bồi thường như một số người đề xuất thì tốt hơn hết là các cơ quan công quyền cũng như từng cán bộ, công chức nhà nước hãy làm tốt vai trò của mình, giảm tối thiểu các vụ việc oan sai, gây thiệt hại cho dân. Và để dân thật sự tin rằng việc nhận được bồi thường từ ngân sách nhà nước không chỉ là trách nhiệm mà đó cũng là tinh thần cầu tiến, mong muốn sửa sai của cán bộ, công chức. Và trên hết, với người bị oan sai, bồi thường là trả lại cho họ danh dự, những mất mát trong cuộc sống mà không thể đo đếm bằng tiền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận