Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIIITình hình kinh tế gay go lắm rồi
Phóng to |
Đại biểu Võ Thị Dung rưng rưng nước mắt khi "nghe báo cáo thì thấy tình hình bình yên quá” - Ảnh: MAI HƯƠNG |
Nếu nhớ lại, trước đây cũng đã có vài đại biểu khóc ở nghị trường trong các trường hợp tương tự. Có cái tâm thì nước mắt nghị trường mới rơi. Chính sách phải có con tim trong đó mới không xơ cứng trước những nhịp đập của cuộc đời. Người dân chắc là cảm thấy phần nào được an ủi khi đại biểu do mình bầu tỏ ra thông hiểu tình cảnh của dân như vậy.
Tuy nhiên, mủi lòng trước sự khốn khó của người dân, nhưng đừng mủi lòng trước những lời trần tình của các bộ ngành mà dễ dãi bỏ qua kiểu như “chuyện đã xảy ra rồi thì rút kinh nghiệm, có phê bình cũng chả giải quyết được việc gì”.
Tại thảo luận tổ, cũng chính đại biểu “rưng rưng nước mắt” đã chỉ ra từ đầu khóa tới giờ báo cáo nào cũng nói là đầu tư dàn trải, nhưng với những cá nhân sử dụng ngân sách sai thì Quốc hội chưa có đề nghị với Chính phủ kỷ luật ai.
Nghĩa là đại biểu hãy khó tính hơn, khắt khe hơn trong giám sát, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Hãy biến rung cảm thành những hành động cụ thể tại nghị trường. Ngay tại kỳ họp này, nếu đã phát hiện các báo cáo còn “hời hợt, không trung thực, không phản ánh tình hình” thì có thể dùng quyền yêu cầu cung cấp thông tin của đại biểu Quốc hội để buộc các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan bổ sung thông tin.
Nếu thấy sử dụng ngân sách thiếu trách nhiệm với dân thì đừng chấp nhận lý lẽ “đã xài rồi, không quyết toán thì không được”, vì nói như vậy là “có lỗi, thiếu sót với dân quá”. Như chính các đại biểu Quốc hội nói, Quốc hội phải xem xét kỹ và phải làm rõ các địa chỉ phải chịu trách nhiệm, không chỉ trong việc sử dụng ngân sách mà trong mọi lĩnh vực khác.
Việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm lần này cũng là một cơ hội để các đại biểu Quốc hội chỉ rõ trách nhiệm đối với những cá nhân không xứng đáng với sự tín nhiệm, với lòng tin của nhân dân.
Đọc các báo cáo của các bộ trưởng chưa đủ, người dân đòi hỏi các đại biểu đối chiếu với nhiều nguồn thông tin khác nhau, không cảm tính, không dễ dãi “hòa cả làng” trong đánh giá các chức danh đó.
Người dân cũng đòi hỏi các đại biểu hãy soi xét kỹ lưỡng từng điều khoản, thậm chí từng câu chữ trong các dự án luật. Nước mắt nghị trường thật đáng trân trọng, nhưng hãy làm hơn thế nữa. Chính sách, pháp luật cần xuất phát từ con tim để có thể bắt được nhịp đập của đời, nhưng chính sách, pháp luật cũng phải trải qua sự suy xét lạnh lùng, khắt khe bởi bộ óc của nhà lập pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận