Thủy điện “chơi” không sòng phẳngQuảng Nam, Đà Nẵng đòi Thủy điện Đăk Mi 4 trả nước
Lãnh đạo TP Đà Nẵng đã phải đề nghị đưa vấn đề tranh chấp nguồn nước ra Quốc hội. Mùa khô chưa cao điểm nhưng xem ra việc khai thác, sử dụng nguồn nước đang có nguy cơ trở thành “cuộc chiến” nóng bỏng.
Báo chí từng tốn khá nhiều giấy mực về chuyện thủy điện quá “tham” tích nước để sản xuất điện, chỉ đến khi lũ về, có nguy cơ vỡ đập mới ồ ạt xả gây tình trạng lũ chồng lũ làm thiệt hại nặng nề tại nhiều tỉnh miền Trung. Câu chuyện này sau đó còn trở thành “điểm nóng” trên diễn đàn Quốc hội.
Thế nên hạn hán ở Tây nguyên và tranh chấp nguồn nước tại Đà Nẵng hiện nay chỉ càng minh chứng rõ thêm rằng khai thác, sử dụng tài nguyên nước chắc chắn sẽ là thách thức lớn trong thời gian tới và sự “hợp tác”, “chia sẻ” không phải bao giờ cũng diễn ra suôn sẻ.
Luật tài nguyên nước quy định trong trường hợp xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước có sự chuyển nước từ lưu vực này sang lưu vực khác phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan. Có lẽ những quy định này đã không được tuân thủ nghiêm ngặt, nên khi công trình đi vào hoạt động dẫn tới thiếu hụt nước cho một khu vực thì sự tranh chấp mới trở nên căng thẳng?
Cả nước có hơn 3.000 sông, suối và tổng lượng nước trung bình hằng năm từ 830-840 tỉ m3 nhưng tập trung chủ yếu ở một số lưu vực sông lớn. Đáng chú ý, chỉ có khoảng 37% lượng nước đó được sản sinh ở trong nước. Ngoài ra, tiềm năng nguồn nước dưới đất ước tính 63 tỉ m3/năm và chủ yếu tập trung ở khu vực đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng Nam bộ và khu vực Tây nguyên. Do đó, VN không được coi là quốc gia giàu về nước, thậm chí đã được dự báo đang cận kề một tương lai thiếu nước.
Theo ông Trần Nhơn - nguyên thứ trưởng Bộ Thủy lợi, một bất cập rất quan trọng hiện nay là việc tổ chức quản lý nhà nước về tài nguyên nước chưa hợp lý, đang phân tán, chồng chéo, trùng lắp, kém hiệu quả, nhất là giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn với Bộ Tài nguyên - môi trường.
Từ đó dẫn tới việc chuyển nước lưu vực, xả lũ, điều tiết nước mùa khô của một số hồ thủy điện không được xem xét chu đáo lợi ích tổng hợp, không đề phòng những hậu quả tai hại cho hạ du... nên không thấy bộ, ngành nào chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố.
Xung đột về lợi ích trong sử dụng, khai thác tài nguyên nước giữa các lĩnh vực chắc chắn sẽ không bao giờ dừng. Nhưng để những xung đột ấy không lên tới đỉnh điểm, không trở thành một “cuộc chiến” thì cần hơn hết vai trò quản lý, điều phối rõ ràng của cơ quan nhà nước. Thậm chí, như đề nghị của ông Trần Nhơn, quản lý nhà nước về tài nguyên nước cần thu về một mối.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận