25/02/2013 08:30 GMT+7

Bớt lo tỉ giá

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TT - Trước tết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói với người viết rằng có chuyên gia đề xuất nên giảm giá VND so với USD nhưng Ngân hàng Nhà nước không làm điều này vì ảnh hưởng đến kiểm soát lạm phát.

Ông Bình cho biết hướng điều hành tỉ giá năm 2013 sẽ như năm 2012. Năm 2012 sức mua VND với USD ổn định, thậm chí so với đầu năm VND còn tăng giá.

Câu chuyện được đề cập từ cuối năm trước đã diễn ra trên thực tế, khi thị trường xôn xao trước kiến nghị tăng tỉ giá VND/USD để khuyến khích xuất khẩu, cho thấy thị trường vẫn nhạy cảm với tỉ giá và giới kinh doanh luôn tận dụng mọi cơ hội để đẩy giá USD nhằm kiếm lợi.

Liên quan đến tỉ giá đã có những điểm mới, rất tích cực. Lần đầu tiên có thể chủ động bàn tỉ giá theo nhiều hướng: giảm, giữ ổn định, thậm chí cho VND tăng giá so với USD, thay vì luôn bị động buộc phá giá VND so với USD như trước. Thứ hai là sức mua hàng hóa của VND tuy có giảm nhưng VND đã và đang chịu sức ép tăng giá so với USD và Ngân hàng (NH) Nhà nước liên tục phải mua USD để giữ cho VND không tăng giá gây bất lợi cho xuất khẩu.

NH Nhà nước cho biết năm 2012 và đến trước tết đã mua vào 20 tỉ USD. Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói với Tuổi Trẻ rằng nhiệm vụ khó khăn của ông trong năm 2013 là làm sao đưa tiền mua thêm USD nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát.

Một chuyên gia kinh tế nói nếu NH Nhà nước không mua, thị trường sẽ đầy USD, khi đó tỉ giá chẳng giữ được mức dưới 21.000 đồng/USD mà giảm dưới 20.000 đồng/USD. Nhiều tháng qua, tỉ giá ổn định ở mức dưới 21.000 đồng/USD, nếu có cán mức 21.000 đồng thì cũng bình thường và nhà quản lý đang điều hành tỉ giá có lên có xuống.

Trước các đề xuất tăng tỉ giá, NH Nhà nước đã lên tiếng. Phân tích sâu xa hơn sẽ thấy có hai lý do NH Nhà nước không muốn tăng tỉ giá VND/USD để khuyến khích xuất khẩu. Xuất khẩu vẫn thuận lợi, năm 2012 đạt trên 114,57 tỉ USD trong khi nhập khẩu là 113,79 tỉ USD, cả năm xuất siêu 780 triệu USD, ngược với năm 2011 nhập siêu 9,84 tỉ USD.

Có nhiều cách khuyến khích xuất khẩu như xúc tiến thương mại, giảm lãi suất... trong khi phá giá VND gây ra nhiều hệ lụy, nhất là lạm phát. Chính phủ đã giao NH Nhà nước kiểm soát lạm phát. Khác trước, chỉ giao nhiệm vụ, nay như ông Bình cho biết Chính phủ giao luôn quyền điều hành một số chỉ tiêu, trong đó có cung ứng VND ra thị trường. Vì vậy, nếu cho VND mất giá thêm so với USD, lạm phát kéo đến, ta làm khó mình, NH Nhà nước không hoàn thành nhiệm vụ kiểm soát lạm phát.

Mới đây, người viết nhận được tin nhắn của ông Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, với nội dung “ổn định tỉ giá có nhiều điểm tốt, góp phần kiểm soát lạm phát; thời gian qua NH Nhà nước đã mua USD, không để VND tăng giá cũng chính là hỗ trợ xuất khẩu, tăng dự trữ ngoại hối”. Theo ông Ngân, lúc này nếu tăng tỉ giá VND/USD để kích xuất khẩu, giá cả nhảy nhổm, phản ứng dây chuyền như quân cờ domino đổ, gây bất lợi cho nền kinh tế, cả nhà xuất khẩu.

Dù vẫn là chủ đề nhạy cảm nhưng có cơ sở để người dân bớt giật mình trước những thông tin về tỉ giá. Hơn một năm qua, tỉ giá tại thị trường tự do khá êm ả, đeo sát giá NH. Năm 2012, người giữ USD không được lợi như trước do tỉ giá không tăng. Dự trữ ngoại hối của quốc gia ở mức cao chưa từng có.

Nếu tình hình này được lập lại và NH Nhà nước thành công trong việc ổn định sức mua VND với các loại hàng hóa khác, thay vì chỉ với USD, đó là những viên gạch xây dựng lòng tin. Khi đó người dân không còn giật mình, thậm chí có thể suy nghĩ, tính toán theo nhiều hướng khác tích cực, hơn là cứ nói đến tỉ giá phải nghĩ ngay đến phá giá VND.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên