Chuyện kính thưa nhiều người thể hiện sự phản tác dụng rõ nhất là trong các buổi lễ khai mạc các cuộc thi thể thao tại nước ta. Trong khi các vận động viên đã làm nóng chuẩn bị xung trận thì trên bục, hàng loạt từ “kính thưa” và những sáo ngữ cứ xuất hiện dày đặc từ người tổ chức đến nhà tài trợ và các quan chức địa phương khiến các vận động viên gần như bị “xì hơi” vì phải nghe quá nhiều lời phát biểu dài dòng, trong đó có chuyện kính thưa nhiều người.
Cách đây chín năm, vào ngày 9-8-2004, Chính phủ đã ban hành nghị định 154/2004/NĐ-CP trong đó có yêu cầu chỉ kính thưa một người lãnh đạo cao nhất tại phiên họp, lễ kỷ niệm, mittinh... Tuy nhiên, như một thói quen ngàn đời, những người giới thiệu chương trình, phát biểu tại các phiên họp vẫn kính thưa nhiều người. Câu hỏi được đặt ra là tại sao đã có quy định chỉ kính thưa một người nhưng đến nay người ta vẫn cứ kính thưa nhiều người, nhiều chức vụ?
Trước hết có lẽ cần xác định chuyện kính thưa xuất phát từ truyền thống kính trên, nhường dưới của nền văn hóa Việt Nam và chuyện kính thưa là một cách thể hiện sự tôn trọng đối với tôn ti trật tự trong xã hội. Những trường hợp kính thưa từ cán bộ cao cấp đến anh hùng lao động, nhà giáo không giữ chức vụ gì chính là biểu hiện của sự tôn trọng truyền thống.
Tuy nhiên với nhiều người, vì quá câu nệ vào lề thói mà chuyện kính thưa đã đi quá giới hạn cần có của nó. Có thể có một sự e sợ vô hình đã và đang tồn tại trong tâm thức của nhiều người khiến không ai dám kính thưa chỉ một người. Nỗi sợ ấy có thể là sợ bị phê bình, bị khiển trách là không biết người trên kẻ trước, khiến người ta cảm thấy ngại ngùng không dám chỉ kính thưa một người.
Kính thưa nhiều người còn là một cách thức khác để tìm kiếm sự an toàn cho những nhà tổ chức, những “người kính thưa” bởi họ sẵn sàng chấp nhận kính thưa thừa chứ không dám kính thưa đúng theo quy định vì cho đến nay, hình như người ta chỉ bị phê bình khi không kính thưa nhiều. Do đó kính thưa nhiều người cho an toàn cũng chẳng mất mát gì mà còn được tiếng là biết trên biết dưới.
Chuyện kính thưa dài dòng ấy còn có thể có nguyên nhân là tình trạng háo danh của những người có chức quyền gây sức ép bằng nhiều hình thức để người khác phải kính thưa mình, và nếu người ta không kính thưa mình thì cho đó là một hình thức xem thường, không tôn trọng...
Chúng ta đã, đang nói nhiều đến việc bớt gây phiền hà cho nhau, bớt dây cà ra dây muống trong những cuộc hội họp thì việc loại bỏ chuyện kính thưa dài dòng có lẽ là một trong những cách để đạt được mong muốn của chúng ta. Muốn làm được điều này, trước tiên cần phải áp dụng triệt để nghị định 154 của Chính phủ ngay từ trong các cơ quan của Chính phủ, bởi nếu ngay cả các cơ quan của Chính phủ, của Nhà nước mà còn không áp dụng việc kính thưa một người thì thật khó để người dân, các tổ chức ngoài xã hội áp dụng điều này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận