18/12/2012 07:58 GMT+7

Không thể bắt người lao động gánh hết

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TT - Mấy ngày nay câu chuyện nhiều công nhân bàn tán đó là việc các ngân hàng sẽ thu phí rút tiền nội mạng từ tháng 3-2013. Mức phí được Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước đề xuất áp dụng cho năm đầu tiên là 1.000 đồng/giao dịch.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đây là mức phí rất nhỏ, chưa tính đúng tính đủ chi phí mà các ngân hàng phải bỏ ra khi chi lương cho người lao động.

Việc trả phí cũng là để hài hòa lợi ích giữa khách hàng và ngân hàng, giúp ngân hàng phần nào chi phí đầu tư, vận hành hệ thống.

Lập luận như vậy không sai, nhưng ở đây cơ quan soạn thảo đã bỏ quên một đối tượng hưởng lợi lớn nhất từ việc trả lương qua tài khoản là chủ doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp có đến hàng chục ngàn lao động. Từ việc phải thuê vài chục người chỉ để phục vụ việc chi lương, bị gián đoạn sản xuất, thiệt hại vài trăm triệu đồng mỗi kỳ trả lương bằng tiền mặt, hiện nay chủ doanh nghiệp chỉ cần “bấm nút” là tiền về tài khoản công nhân. Tất cả công đoạn sau đó như thức đêm, xếp hàng, máy ATM gặp sự cố, bị mất mát tiền... đều không ảnh hưởng gì đến chủ doanh nghiệp. Chưa kể các chủ doanh nghiệp này còn được ngân hàng cho không tiện ích, thậm chí “chăm sóc, săn đón”... vì nếu được doanh nghiệp chọn chi lương, ngân hàng cũng hưởng lợi không nhỏ.

Các ngân hàng năm nào tổng kết cũng than dịch vụ ATM lỗ lớn. Thế nhưng điều kỳ lạ là dù bị lỗ nhưng ngân hàng nào cũng cạnh tranh rất gay gắt để nhảy vào “miếng bánh” chi lương cho chủ thẻ vì đằng sau việc miễn phí cho chủ doanh nghiệp, ngân hàng có rất nhiều nguồn thu: kinh doanh trên số tiền gửi không kỳ hạn, bán chéo dịch vụ, thu phí từ chủ thẻ.

Tới đây nguồn thu phí từ chủ thẻ sẽ là chủ đạo với hàng loạt loại phí mà ngân hàng có thể nghĩ ra được như phí quản lý tài khoản, chuyển khoản, rút tiền ngoại mạng, phí vấn in, in sao kê... Người lao động - ở vị trí bị ép sử dụng dịch vụ (do chủ doanh nghiệp quy định) - lại đang gồng gánh chi phí cho chính chủ doanh nghiệp đồng thời bị mang tiếng oan là sử dụng dịch vụ miễn phí. Đó chính là hậu quả từ việc “lấy lòng” chủ doanh nghiệp suốt thời gian vừa qua của các ngân hàng.

Về lý đã vậy, còn về tình, trong lúc này công nhân đang vật lộn với hàng loạt khó khăn do chi phí sinh hoạt, tiền điện, tiền nhà trọ tăng, Chính phủ đang có hàng loạt chương trình hành động nhằm giúp đỡ những đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi điều kiện xã hội hiện nay thì Ngân hàng Nhà nước lại thể hiện quyết tâm thu phí rút tiền nội mạng ngay từ tháng 3-2013. Như vậy về lý đã không ổn, còn về tình, tận thu trên chính đồng lương còm cõi của người lao động lúc này sẽ khó nhận được sự đồng cảm. Chưa kể có thể dẫn đến tác động ngược nếu hàng loạt lao động cùng hành động theo hướng rút sạch lương ra khỏi tài khoản sau khi chi trả, hoặc gay gắt hơn là đồng loạt xin nhận lương bằng tiền mặt.

Do đó, chủ doanh nghiệp và ngân hàng phải đứng ra gánh một phần chi phí này cho người lao động, khi đó chủ thẻ sẽ chỉ phải trả một khoản phí tượng trưng hoặc được miễn phí. Không thể lấy lý do không kiểm soát được số lần rút tiền của người lao động trong tháng để đẩy phần phí về phía người lao động.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên