28/10/2012 09:40 GMT+7

Từ "đỡ lắm" đến "ấm lòng"

HÀNG CHỨC NGUYÊN
HÀNG CHỨC NGUYÊN

TT - Nếu hôm ở quán Nụ Cười, hai từ “đỡ lắm” tôi được nghe nhiều người lặp đi lặp lại, thì sau khi bài báo viết về quán (Chuyện “đỡ lắm” ở quán cơm Nụ Cười - Tuổi Trẻ ngày 22-10) đến tay bạn đọc, tôi lại được nghe hai từ khác, cũng được lặp đi lặp lại ở nhiều người: “Ấm lòng”...

Như email của chị Nguyễn Thị Ngọc Phương, Ủy ban Tương trợ người VN tại Đức: “... Chuyện về quán cơm Nụ Cười làm tôi thấy một ngày mới bắt đầu đẹp hơn, ấm lòng hơn”; hay ý kiến phản hồi của bạn đọc Lê Đức Khôi: “... Quán cơm đã làm ấm lòng độc giả trong thời buổi những trang tin dày đặc chuyện nhức nhối và nặng nề”; như anh xe ôm mặt mày đen đủi chở chị Nguyễn Thị Diệp, một tiểu thương, từ chợ Thủ Đức mang dầu ăn, nước tương, bột ngọt...đến quán, nhất định không chịu lấy tiền xe vì “tui biết cái quán rồi, muốn giúp lắm nhưng ngặt nỗi khó quá nên thấy chỉ mang đồ đến giúp cho quán, mừng lắm, nghe ấm lòng tui vội chở chỉ đi. Thì mình góp chút công vậy mà...”.

Hôm thứ sáu (26-10), một chị ở khu Bắc Hải, quận 10 đến quán từ sớm năn nỉ: “Hôm nay để tôi làm món mặn cho bà con nghe...”. Thế là cả nhà chị đổ vào làm món đậu dồn thịt. Hơn 10 giờ chị khệ nệ chở trên xe gắn máy ba chiếc xô đựng đầy thức ăn đến quán, rồi vội vã quay về chở tiếp ba xô nữa. “Chưa bao giờ cả nhà tôi vui như vậy, ai cũng thấy ấm lòng...” - chị nói.

Ấm lòng, người nhận và người cho. Người ta nói rất nhiều rằng cho là nhận, hạnh phúc là cho... Ở quán Nụ Cười không ai nói về điều ấy cả, nhưng điều ấy lại cứ diễn ra trong lòng rất nhiều người. Hôm thứ tư (24-10) ở quán tôi thấy một chị khách luống tuổi ăn xong không chịu ra về mà đến bàn cô tình nguyện viên ghi nhận những đóng góp. Cô tình nguyện viên vội hỏi: “Dạ thưa, cô ăn thấy được không ạ?”. Chị từ tốn vừa trả lời vừa lần trong chiếc ví nhỏ ra 2 triệu đồng: “Được cháu ạ, được lắm nên cho cô gửi cái này...”.

Hay một cô tình nguyện viết trên blog: “Hôm nay tớ đi làm tình nguyên viên ở quán. Quán rất đông. Trong vài giờ ngắn ngủi phục vụ ở quán mà tớ vừa quá đỗi hạnh phúc, vừa thấy cuộc đời thật đáng sống quá...”. Những dòng ấy là của Lê Trần Thanh Mai, SV ngành nội thất Đại học Văn Lang. Hỏi sao mà cảm thấy như vậy, Thanh Mai không giải thích, chỉ kể: “Ở đây mình mới thấy có nhiều người cùng khổ lắm. Có một chị bưng khay cơm lên chỉ ăn cơm với canh, chan thêm nước dùng, còn mấy miếng gà kho thì bỏ vào bịch để dành cho bữa tối...”. Kể, và đôi mắt cô sinh viên rưng rưng. Cũng như một bác cán bộ hưu trí ở đường Cách Mạng Tháng Tám đã 76 tuổi, khi biết có quán cơm không giúp được gì, chỉ gặp những người bán vé số, người nhặt ve chai, người mua gánh bán bưng quá lam lũ và chỉ cho họ đến quán: “Đến đó đi cháu, họ đối xử tử tế lắm...”. Và đã mấy buổi trưa, bác đã chậm chạp bước đến đường Hồ Xuân Hương, đứng bên kia đường nhìn chăm chăm vào quán đông đúc khách. Hỏi, bác nói: “Thấy vui lắm, ấm lòng lắm”.

Và trong những ngày qua, hàng mấy trăm lượt người đến quán để cho một cái gì đó và chắc chắn ít nhiều họ đã nhận lại được một điều quý giá: ấm lòng...

Vui và mắc cỡ

Mấy ngày hôm nay, liên tục có nhiều bài viết về quán cơm xã hội Nụ Cười thuộc Quỹ Từ thiện tình thương TP.HCM. Nhờ vậy, lượng người nghèo vào ăn và lượng nhà hảo tâm tìm đến tăng vọt. Thật là mừng vui. Như vậy nỗi lo thiếu hụt tài chính đã giảm đi rất nhiều.

Nhưng thật tình, những người điều hành quán cơm và Quỹ Từ thiện tình thương rất mắc cỡ. Bởi quán cơm 2000 Người Tôi Cưu Mang - Ngô Quyền và quán cơm 2000 Lữ Gia hoạt động bốn năm nay, mỗi ngày 400~500 suất lại không được báo chí chú ý nhiều như vậy.

Ngại quá! Chúng tôi ước gì báo chí đề cập đến hai quán cơm 2000 nêu trên. Các anh chị ở đây chuyên nghiệp và tận tình giúp đỡ người nghèo hơn chúng tôi rất nhiều. Và còn hàng trăm cơ sở từ thiện khác, các bếp ăn từ thiện cho người nghèo có rất nhiều, rất nhiều ở thành phố này...

HÀNG CHỨC NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên