10/09/2012 08:10 GMT+7

An toàn cho dân là trên hết!

TS địa chất ĐỖ VĂN LĨNH (phó liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam)QUỐC THANH ghi
TS địa chất ĐỖ VĂN LĨNH (phó liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam)QUỐC THANH ghi

TT - Khu vực thủy điện Sông Tranh 2 và một số thủy điện lân cận là khu vực tiềm ẩn yếu tố gây động đất ở mức trung bình - mạnh. Đây là cái rốn của động đất ở khu vực Trung - Trung bộ.

Các chuyên gia hàng đầu khảo sát nguyên nhân động đấtQuảng Nam: người dân hốt hoảng vì rung chấn mạnhLại động đất 4,2 độ richter gần Sông Tranh 2

Khi chúng tôi khảo sát thực địa khu vực này đã đánh giá chắc chắn sẽ xảy ra động đất song rất khó, thậm chí không thể dự báo được động đất ở thời điểm nào. Kết quả khảo sát của chúng tôi vào năm 2000 - 2005 cho thấy địa hình có những vách đá rất lớn, dựng đứng, bắt gặp đới nát nhừ (dấu tích của động đất trong quá khứ)... cho phép nhận định trong xa xưa động đất lớn từng xảy ra ở khu vực này.

Ở điều kiện bình thường, động đất có thể chưa xảy ra trừ phi có những yếu tố kích thích, xem như “đổ dầu vào lửa” hay “giọt nước làm tràn ly”. Tôi đồng tình với luồng ý kiến nhận định ban đầu rằng có sự xuất hiện của hai yếu tố động đất kích thích và động đất tự nhiên.

Nếu lấy thủy điện Sông Tranh 2 làm tâm, bán kính ảnh hưởng của các trận động đất có thể vào khoảng 0-70km tính từ tâm chấn và có thể còn xa hơn. Một trận động đất 5,1 độ Richter xảy ra ở khu vực này thì ở Huế hay Đà Nẵng có thể cảm nhận được. Đặc biệt, cần kiểm tra liên tục xung quanh đập thủy điện Sông Tranh 2 để phát hiện kịp thời các biểu hiện bất thường. Tôi đề nghị hết sức lưu tâm đến các tác hại thứ cấp của các trận động đất như cháy nổ, trượt lở, sụt lún, hóa lỏng nền đất... Một ngôi nhà trên đất cứng bình thường, nếu không may gặp hiện tượng hóa lỏng nền đất thì ngôi nhà sẽ mất hút, sụt, nghiêng đổ... Tuy nhiên, hiện tượng này còn phụ thuộc vào địa chất của khu vực. Ở những vùng như thủy điện Sông Tranh 2, hiện tượng hóa lỏng nền đất rất khó xảy ra, vì vậy cần chú ý hơn đối với các hiện tượng trượt lở, sụt lún...

Muốn an dân cũng không nên né tránh những vấn đề mang tính khoa học và khách quan đang xảy ra ở đây, khi thủy điện Sông Tranh 2 với sức tích nước khoảng 760 triệu m3. Cần nhận diện những vấn đề khoa học một cách nghiêm túc để có giải pháp kịp thời đảm bảo an toàn, an sinh và an dân.

Di dân toàn bộ khỏi khu vực là giải pháp không đơn giản vì còn nhà cửa, ruộng vườn của người dân. Còn dù có tháo hết nước ở hồ cũng không đồng nghĩa sẽ giảm hoàn toàn yếu tố kích thích động đất. Tuy nhiên, trước mắt không nên tích nước ở mức cao trong giai đoạn này. Ở thủy điện Hòa Bình, các trận động đất kể từ khi xảy ra đến khi đạt sức mạnh cao nhất kéo dài 1-2 năm.

Do vậy, giải pháp tình thế là người dân ở khu vực cần ngủ trong nhà gỗ, nhà tranh vì khả năng chống đỡ động đất tốt hơn nhà gạch, nhà bêtông. Tuy không ai muốn như thế cả, nhưng đấy là giải pháp có thể “sống chung với động đất” trong lúc chưa có giải pháp nào khả dĩ hơn.

Nếu động đất kích thích dẫn đến đổ vỡ, nứt nhà, gây bất an tâm lý hay hao tâm tổn lực thì phải có người chịu trách nhiệm. Thực tế người dân ở đây đang rất lo lắng. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm? Có lẽ những vấn đề này chưa được tính đến. Trước mắt, chủ đầu tư cần thăm hỏi, hỗ trợ bà con đã thiệt hại về nhà cửa, ảnh hưởng đến công ăn việc làm... Không ai dám chắc động đất 4,2 độ Richter như ghi nhận được đã dừng lại. An toàn cho người dân phải là trên hết!

TS địa chất ĐỖ VĂN LĨNH (phó liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam)QUỐC THANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên