Sau này, khi được tham gia một phần vào công tác cứu hộ của tàu Vân Đồn 02 những ngày đầu năm 2011, với sự hỗ trợ của ngư dân, tìm ra được vị trí của con tàu xấu số, bố tôi vẫn tin “sẽ chẳng ai hiểu biển của mình bằng ngư dân mình”.
Lớn lên, cuộc đời đã bắt đầu gắn bó với biển, tôi mới hiểu được điều này. Với những ngư dân ngày đêm bám biển, họ hiểu con nước, họ hiểu nơi nào có luồng cá lớn. Với họ, biển là người bạn, người anh em và là người mẹ nuôi sống họ cùng với gia đình. Với ngư dân của ngày xưa, nơi đâu họ đánh bắt và đặt chân tới, nơi ấy chính là Tổ quốc và đó cũng chính là cách họ bảo vệ chủ quyền.
Nhưng Tổ quốc ấy, biển ấy ngày nay không thể vươn xa bằng những con tàu gỗ ọp ẹp, thiếu phương tiện cùng việc đánh bắt, bảo quản và sơ chế là những công đoạn tách rời nhau. Trong những lần tham gia sửa chữa tại các nhà máy đóng tàu, tôi đã tận mắt thấy những con tàu đánh cá to lớn, hiện đại, vỏ sắt, được trang bị không thua gì các tàu thương mại chạy tuyến quốc tế với cả một dây chuyền sơ chế mà khi về bờ, sản phẩm của họ là những thùng được đóng gói gọn ghẽ sẵn sàng để xuất khẩu. Những chiếc tàu đó mang cờ Đài Loan, Hàn Quốc hay Nhật Bản, có mặt khắp nơi trên thế giới, từ mũi Hảo Vọng đến Alaska lạnh giá.
Hai năm trước, một Việt kiều ở Nhật thành danh trong lĩnh vực sửa chữa tàu biển của Nhật có ngỏ lời với tôi rằng ước mơ đau đáu của ông là được hỗ trợ và tư vấn cho ngư dân mình tiếp cận với công nghệ đánh cá hiện đại của Nhật Bản.
Theo ông, hiện có rất nhiều đoàn tàu đánh cá xa bờ đã qua sử dụng nhưng vẫn còn quá là hiện đại với ta, có thể là phương án đầu tư hiệu quả cho ngư dân. Tuy nhiên, việc nhập khẩu các tàu cá này còn vướng mắc về mặt cơ chế khi các tàu vừa và nhỏ hơn 4.000 tấn, phù hợp với khả năng đầu tư của ngư dân hiện vẫn chịu thuế nhập khẩu 5-10%.
Nhìn từ bài học của Vinashin, bài toán đầu tư hiệu quả để xem việc đánh cá xa bờ như một hình thức để bảo vệ chủ quyền không thể tập trung vào một số doanh nghiệp. Ngược lại, chúng ta nên tạo ra một cơ chế thông thoáng, ưu đãi như chúng ta đã từng làm với đầu tư FDI để ngư dân có quyền tính toán và cân nhắc. Bởi với họ, bài toán bảo vệ chủ quyền cũng đi liền với bài toán “miếng cơm manh áo” của một dòng tộc.
Nếu bạn từng đi ngang qua những làng chài ở Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cà Ná (Ninh Thuận) hay Hậu Lộc (Thanh Hóa), đã thấy từng ngôi nhà đẹp đang được dựng lên hằng ngày với những con tàu đóng mới được đầu tư tiền tỉ, bạn sẽ tin rằng ngư dân ngày nay với Internet và các phương tiện đánh bắt hiện đại đã và đang có quyết tâm đánh bắt xa hơn, mang về nhiều cá hơn và hơn hết, để tiếng Việt và lá cờ Tổ quốc đi xa hơn, tham gia ngư trường đánh bắt thế giới.
Vì biển ấy là của mình!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận