23/05/2012 09:02 GMT+7

Thông tin và trách nhiệm

 TS NGUYỄN SĨ DŨNG
 TS NGUYỄN SĨ DŨNG

TT - Dân chủ không nằm ở những quyền năng to lớn của các vị đại biểu Quốc hội, mà nằm ở chế độ trách nhiệm của các vị này trước cử tri. Khi và chỉ khi chế độ trách nhiệm trước cử tri vận hành đầy đủ, chúng ta mới thật sự có một đời sống dân chủ.

Chế độ trách nhiệm trước cử tri là chế độ trách nhiệm chính trị. Cử tri không xử phạt và không bỏ tù ai cả.

Cái mà cử tri có thể làm là nhận xét, đánh giá và bày tỏ sự tín nhiệm hoặc bất tín nhiệm đối với những người mà mình đã bầu ra. Mặc dù còn cần phải có được những quy định về thủ tục rõ ràng hơn, nhưng theo pháp luật nước ta, một vị đại biểu sẽ bị bãi miễn nếu như không còn được cử tri tín nhiệm. Như vậy, để vận hành chế độ trách nhiệm chính trị, thông tin về hoạt động của các vị đại biểu Quốc hội là thứ cử tri cần có nhất. Và cung cấp thông tin này cho cử tri là điều kiện bắt buộc đối với bất kỳ nền dân chủ nào.

Ở nước ta, pháp luật quy định các vị đại biểu Quốc hội phải tiếp xúc cử tri sau mỗi kỳ họp để báo cáo hoạt động của mình. Đây là một hình thức cung cấp thông tin rất cần thiết và được các vị đại biểu Quốc hội thực hiện hết sức nghiêm túc.

Tuy nhiên, do những điều kiện khách quan và chủ quan, số lượng cử tri được nghe các vị đại biểu báo cáo là khá hạn chế. Nếu trung bình mỗi đại biểu do gần nửa triệu cử tri bầu ra, thì sau mỗi đợt tiếp xúc cử tri như hiện nay, số lượng cử tri được nghe báo cáo chỉ khoảng 0,7-1% con số cử tri nói trên. Đa số cử tri sẽ phải tìm hiểu về hoạt động của các vị đại biểu Quốc hội của mình tại nghị trường thông qua báo chí.

Đó là lý do giải thích tại sao có nhiều cơ quan báo chí và các phóng viên đến đưa tin về các kỳ họp Quốc hội như vậy. Tại kỳ họp thứ 3 lần này của Quốc hội, đang có gần 400 phóng viên từ 70 cơ quan báo chí tác nghiệp tại nghị trường để cung cấp thông tin cho cử tri và nhân dân cả nước.

Do hoàn cảnh khách quan - Quốc hội chưa có trụ sở riêng, điều kiện tác nghiệp của các phóng viên nghị trường ở nước ta còn rất khó khăn, hạn chế. Cân đối giữa việc tạo điều kiện tác nghiệp cho phóng viên, nhưng lại không được làm ảnh hưởng đến hoạt động của các vị đại biểu Quốc hội là một bài toán khó.

Tuy nhiên, mọi việc sẽ dễ dàng hơn nếu các vị đại biểu Quốc hội chủ động hợp tác với báo chí để cung cấp thông tin về hoạt động của mình. Làm được như vậy cũng là cách để các vị đại biểu báo cáo được với đông đảo hơn những cử tri ở đơn vị bầu cử và góp phần vận hành nền dân chủ của chúng ta.

 TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: cử tri Quốc hội