Ngoài vụ án Trần Thúy Liễu sát hại chồng - nhà báo Hoàng Hùng - gây chấn động dư luận, còn có tin người vợ của một trung tá công an vì thua nợ cờ bạc, sợ bị chồng ly dị và sợ không được chia tài sản để trả nợ nên đã giết chồng bằng cách pha thuốc rầy vào sữa cho chồng uống và tiêm thêm thuốc độc vào miệng chồng.
Án chung thân cho bà Trần Thúy LiễuVụ bà Liễu đốt chồng: Vẫn còn nhiều dấu hỏi
Tin một người con trai đã 44 tuổi, đi nhậu về không có tiền trả taxi bị giải đến đồn công an, bà mẹ 75 tuổi phải trả tiền giúp để anh ta được tha về. Bị mẹ mắng vì tội bê tha, làm gia đình xấu hổ với chòm xóm, người con trai đã xông tới bóp cổ mẹ, sau đó dùng dao đâm nhiều nhát cho đến khi mẹ chết.
Loại tội ác giết người, thậm chí giết người thân trong gia đình, đâu phải bây giờ mới có và càng đâu phải chỉ có ở VN. Báo chí thế giới những năm qua và gần đây nhất chẳng đã đưa tin về các vụ giết người hàng loạt vô cùng ghê rợn ở nước này nước khác đó thôi. Nhưng đâu phải vì vậy mà sự kinh hoàng và đau đớn trước những tin tức giết chồng, giết mẹ như trên được xoa dịu trong lòng biết bao con người có lương tri. Vì sao những thủ phạm giết người ấy lại có thể ra tay độc ác đến vậy với mẹ ruột của mình, với người chồng đầu gối tay ấp của mình? Vì sao?
Đã đành mỗi vụ án mạng đều có nguyên do. Và hẳn cũng đã có lời bào chữa khẽ khàng ở đâu đó cho những kẻ thủ ác là vợ, là con của người bị hại. Rằng người vợ do áp lực sẽ bị xã hội đen xử tội chạy nợ nên mới liều giết chồng. Rằng người con trai đang lúc không thật tỉnh táo vì rượu và sĩ diện trước những lời mắng mỏ của mẹ nên đã ra tay giết chết bà.
Nhưng cũng có một câu hỏi đau đớn và giận dữ bỗng muốn được bật ra và gào lên thật lớn: vì sao lại đi cờ bạc đến mức nợ nần bạc tỉ và bắt người thân trong nhà phải “chia sẻ” với mình sự tệ hại ấy? Vì sao biết bực tức và sĩ diện do bị mẹ mắng đến mức phản ứng bằng hành vi giết mẹ mà không nghĩ đến sự đau lòng, xấu hổ của mẹ đến thế nào trước dân phố, xóm giềng vì hành vi bê tha thiếu tự trọng của bản thân mình? Vì sao bao nhiêu con người khác cũng có những bức bách cá nhân về vật chất, về tinh thần mà không trở thành kẻ giết người, nhất là giết người thân?
Chỉ nghĩ đến cá nhân, chỉ tìm cách thỏa mãn những nhu cầu cá nhân đến mức không làm chủ được mình trước những cám dỗ và khi những cám dỗ ấy lên đến đỉnh điểm thì sẵn sàng làm hại đến cuộc sống của những người xung quanh, kể cả những người ruột thịt của mình.
Cách lý giải ấy về hành vi của cái ác, cái tàn bạo chết người đang xuất hiện ở cạnh chúng ta có lẽ không sai. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đấy có lẽ vẫn chưa đủ. Lẽ nào chúng ta yên tâm giao phó trách nhiệm làm người tử tế chỉ cho mỗi cá nhân con người thôi? Lẽ nào cái cách chúng ta coi trọng không đầy đủ việc nghiên cứu và giáo dục các vấn đề sâu xa thuộc về con người trong đời sống xã hội lại không là một nguyên nhân gián tiếp của những vụ việc đau lòng?
Lẽ nào môi trường xã hội với nhiều bất công đây đó, với những tồn tại về khoảng cách tiếp cận cơ hội phát triển giữa các nhóm xã hội, với áp lực kinh tế ngày càng đè nặng lên nhiều gia đình dường như bế tắc trước cơ hội cải thiện thu nhập và chất lượng sống lại không là một trong những duyên cớ thúc đẩy cái xấu, cái ác ẩn chứa trong mỗi con người bộc phát mỗi khi có dịp?
Kinh hoàng và đau đớn trước cái ác là phản ứng bình thường của một con người bình thường. Nhưng có lẽ mỗi con người bình thường cũng cần phải thao thức nhiều hơn đến việc làm sao hạn chế những mầm mống sâu xa khiến cái ác còn chưa nói lời ai điếu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận